Ngày 27-3, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ ly hôn "li kì" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Theo phán quyết đưa ra, tòa chấp nhận yêu cầu thuận tình ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, về tài sản chung, tòa chia theo tỉ lệ 60/40: Ông Vũ được 60% và bà Thảo được 40%.
Vụ ly hôn của vợ chồng Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực
Bên cạnh đó, tòa cũng giao toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý và ông Vũ phải có trách nhiệm thanh toán số tiền chênh lệch cho bà Thảo. Với việc ông Vũ và bà Thảo được chia số tiền 8.229 tỉ đồng, vị chủ tọa đã đọc mức án phí mà 2 người này phải nộp lên tới... hơn 80 tỉ đồng (?!).
Số tiền trên khiến dư luận xôn xao, và sau đó, người ta nhận ra đây là mức án phí bất thường. Bản thân vị chủ tọa Nguyễn Văn Xuân sau đó cũng thừa nhận "do mệt" nên đã đọc nhầm gấp 10 lần số án phí này.
Sự nhầm lẫn hy hữu của vị chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân
Vậy thực chất, việc tính toán án phí đó như thế nào, và sau khi chủ tọa lỡ đọc nhầm khi tuyên án, thì việc khắc phục được giải quyết ra sao? Để tìm câu trả lời, PV Báo ANTĐ đã trao đổi cụ thể với Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều (Công ty Luật TNHH Bắc Nam).
Theo Luật sư Kiều, tại Mục A, Khoản 1.3, điểm e của Danh mục án phí, lệ phí tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định, thì: Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì giá trị tranh chấp từ trên 4 tỉ đồng thì án phí được tính như sau: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.
Do vậy, đối chiếu với các thông tin mà báo chí đưa tin, thì giá trị tranh chấp tài sản trong vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là 8.379 tỉ đồng, thì án phí được tính như sau:
(8.379 tỉ đồng – 4 tỉ đồng) x 0,1% + 112 triệu đồng = 8.487.000.000 đ (gần 8,5 tỉ đồng).
Trong đó, do ông Vũ được hưởng 60% tài sản nên án phí mà ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phải đóng là: 8.487.000.000 đ x 60% = 5.092.200.000 đồng (gần 5,1 tỉ đồng).
Còn bà Thảo được hưởng 40% tài sản, nên án phí mà bà phải đóng là: 8.487.000.000 đ x 40% = 3.394.800.000 đồng (gần 3,4 tỉ đồng).
Bằng những tính toán cụ thể, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều đã chỉ rõ mức án phí thực sự của vụ án ly hôn đình đám
Trong khi đó, để giải quyết việc chủ tọa phiên tòa "đọc nhầm" mức án phí gấp gần 10 lần nói trên, thì theo Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều: Bản án đã tuyên tại phiên tòa, nếu có sai sót về việc tính toán số liệu hay nhầm lẫn con số thì theo quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì có thể sửa đổi bổ sung bản án theo quy định dưới đây:
“Điều 268. Sửa chữa, bổ sung bản án
1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.
2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.
Xem bài gốc Tại Đây