Trước đó theo dòng tweet đăng sáng 29/11, ông Trump tuyên bố sẽ ủng hộ các hình phạt nặng – bao gồm tước quyền công dân – đối với hành vi đốt cờ Mỹ.
Ông Trump viết trên Twitter: “Không một ai được phép đốt cờ Mỹ - nếu họ làm vậy, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả cực nghiêm khắc. Có thể sẽ mất quyền công dân hay dành những năm tháng cuộc đời trong tù”.
Tuyên bố này của ông đã làm trỗi dậy một cuộc tranh cãi đã kéo dài hàng thập kỷ qua về vấn đề này.
Tòa án Tối cao từng hai lần ra phán quyết rằng chính phủ Mỹ không được cấm đoán việc hủy hoại cờ Mỹ - hành vi thường gặp trong các cuộc biểu tình – bởi hành động này đã được Hiến pháp bảo vệ, đặc biệt là theo điều khoản về tự do ngôn luận trong Tu chính án thứ nhất.
Vấn đề này từng được Tòa án Tối cao hai lần ban luật vào năm 1989 và năm 1990 nêu rõ, quy định việc đốt cờ là một hành động của sự biểu lộ cảm xúc và là “lời nói mang tính biểu tượng” – chính xác những gì được Tu chính án thứ nhất bảo vệ.
Một trong số những người kiên quyết bảo vệ quyết định trên chính là Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia, người vừa qua đời hồi tháng 2.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2012 cũng về hành vi đốt quốc kỳ, Thẩm phán Scalia cho biết ông không tán thành hành động này, nhưng nó về cơ bản đã được Hiến pháp Mỹ và các nhà lập quốc bảo vệ, không xếp vào các hành vi phạm tội.
Bất chấp việc các chính trị gia liên tục đề xuất luật cấm đốt quốc kỳ thì họ vẫn thất bại, phần lớn là do vướng “ngưỡng cửa” của Đạo luật thứ nhất.
Trong tuyên bố của mình trên mạng xã hội hôm 29/11, ông Trump đã đi xa hơn cả vấn đề “đốt cờ bị phạt”, cho rằng người đốt cờ sẽ bị “tước quyền công dân”.
Theo Hiến pháp Mỹ, một công dân nước này, dù được sinh ra ở Mỹ hay nhập tịch, sẽ không còn quyền công dân khi “tự giác thực hiện” những hành động “mang mục đích từ bỏ quốc tịch Mỹ”. Những hành động này bao gồm chiến đấu trong hàng ngũ của quân địch và phản quốc.
Vì vậy, nếu theo đề xuất của ông Trump, hình phạt cho tội đốt quốc kỳ là ngồi tù và thậm chí tước quyền công dân đều vô cùng nặng nề.