Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 lấy nhan đề "Thời cơ vàng trong vận hội mới", khi Covid-19 đẩy nhanh quá trình dịch chuyển dòng vốn và chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, vốn đã manh nha xuất hiện khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
"Đây đúng là cơ hội vàng, thế nhưng chúng ta có nắm bắt được không thì còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ. Chúng ta có nhiều cơ hội vàng trước đó, nhưng chưa hấp thụ được hết hiệu quả của nó", ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – nhìn nhận.
Để tận dụng cơ hội này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng mạnh mẽ sau dịch Covid-19.
Động thái này của Chính phủ, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN – nhận định là "cú hích mới" trong công tác đầu tư nước ngoài, và cũng là hành động cụ thể đầu tiên của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) được biết đến là tổ chức đại diện cho hơn 160 tập đoàn thành viên có hoạt động kinh doanh toàn cầu, phần lớn trong số đó nằm danh sách 500 công ty hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn có trụ sở tại Washington DC.
Đại diện USABC đã đưa ra 3 góc nhìn trong việc "dọn tổ đón đại bàng" của Việt Nam.
Không phải cứ rời Trung Quốc là chọn Việt Nam!
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài , ông Thành khẳng định không phải cứ tính rời khỏi Trung Quốc là nhà đầu tư nhìn ngay vào Việt Nam, mà họ sẽ nhìn vào thị trường ASEAN, nhìn vào Ấn Độ.
"Ngay bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ là một thị trường có tính cạnh tranh rất cao. Bên cạnh đó, ASEAN cũng là một thị trường được cân nhắc. Nhìn vào Việt Nam, nhà đầu tư sẽ nhìn như một nền kinh tế thành viên quan trọng đóng góp cho động lực tăng trưởng chung của cả khối ASEAN", ông Thành nói.
Không một nền kinh tế đơn lẻ nào trong ASEAN có đủ năng lực thay Trung Quốc trong việc thu hút chuỗi cung ứng hay chuỗi phân phối toàn cầu
Ông cũng khẳng định không một nền kinh tế đơn lẻ nào trong ASEAN có đủ năng lực để hy vọng thay thế Trung Quốc trong việc thu hút chuỗi cung ứng hay chuỗi phân phối toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, mà phải liên kết với nhau lại ở tầm ASEAN.
"Chúng ta cứ hình dung một tập đoàn lớn Châu Âu hay Mỹ đầu tư ở Trung Quốc. Việc phối hợp các hoạt động kinh doanh giữa các địa phương Trung Quốc phải nhuần nhuyễn thế nào để đạt được Economies of Scale (Kinh tế quy mô), tức đạt đến một quy mô đủ lớn để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh".
"Trong ASEAN, giữa các quốc gia với nhau cũng phải đạt được sự phối hợp đồng bộ chính sách tương tự như thế mới cạnh tranh được với Trung Quốc. Trong khi đó giữa các quốc gia ASEAN, mặc dù chúng ta có nhiều thỏa thuận, nhưng vẫn có sự cạnh tranh, thậm chí là cuộc đua xuống đáy. Chúng ta khó cạnh tranh với Trung Quốc ở góc độ đó", ông Thành nói.
Từ góc độ ASEAN thu hẹp trở lại vào một quốc gia cụ thể như Việt Nam, ông Thành nhìn nhận nếu giữa các địa phương của Việt Nam không được kết nối một cách nhuần nhuyễn mà chính sách theo kiểu "mỗi nơi một kiểu", các nhà đầu tư quy mô lớn sẽ không nhận được sự đồng bộ trong quy trình sản xuất kinh doanh, gây gia tăng chi phí...
Thu hẹp góc nhìn hơn nữa trong trong mạng lưới khu công nghiệp, nếu không có sự liên kết tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng gây gia tăng chi phí cho họ.
Khách du lịch nhìn vào "sao" của khách sạn, còn nhà đầu tư nhìn vào "hạng" của khu công nghiệp
Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam, có nhiều yếu tố tác động tới quyết định của họ. Phó Giám đốc điều hành khu vực USABC ví von hình ảnh nhà đầu tư như một khách du lịch.
Nếu như du khách quan tâm đến lưu trú, thì nhà đầu tư quan tâm tới khu công nghiệp. Khách du lịch nhìn vào "sao" của khách sạn, còn nhà đầu tư nhìn vào các cơ sở dữ liệu của khu công nghiệp như chủ đề (theme), công nghệ cao, và quan trọng là hệ thống xếp hạng – yếu tố mà Ấn Độ đã có mà Việt Nam vẫn chần chừ.
"Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý khu công nghiệp và Khu kinh tế có đề cập đến chuyện xếp hạng các khu công nghiệp, và giao cho Bộ Nội vụ phụ trách. Nhưng việc xếp hạng khu công nghiệp hiện chỉ là sáng kiến đơn lẻ của một số địa phương như Đồng Nai, nhưng một hệ thống tiêu chí xếp hạng ở tầm quốc gia dường như chưa có chưa có".
"Điều này rất thiếu sót trong khi Ấn Độ đã áp dụng rồi", ông Thành cho biết.
Không nên chỉ nhắm đón "đại bàng", các doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ngoài "vừa miếng" với doanh nghiệp Việt hơn
Ảnh minh họa.
"Chúng ta không nên chỉ nhìn ngắn hạn hậu Covid -19 là đón "ông to"", ông Thành nói.
Việt Nam có 374 khu công nghiệp đã thành lập và 259 khu công nghiệp chưa thành lập, nhưng ông Thành khẳng định không phải tập đoàn lớn sẽ "đổ hết" vào Việt Nam.
Chúng ta không nên chỉ nhìn ngắn hạn hậu Covid -19 là đón "ông to"
"Chúng ta chỉ đón dăm bảy doanh nghiệp lớn là thành công lắm rồi. Những khu công nghiệp còn lại làm thế nào?
Cho nên, không chỉ tập trung đón các "ông lớn" mà phải nhìn xa hơn. Kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ từ các ông lớn, mà phải do các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng của họ vào đây, thì mới "vừa tầm" với doanh nghiệp Việt Nam. Đấy là bài toán trong vài ba năm tới".
"Mục tiêu của chúng ta là "dọn tổ đón đại bàng". Việc đón vài ba tập đoàn lớn vào, như chúng ta từng đón Intel và Samsung , sẽ tạo cú hích, kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng của họ vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có đủ tầm để tham gia chuỗi cung ứng đấy.
Chứ chúng ta không thể "nhảy ngay" một lúc làm được vendor cấp 1 cho các tập đoàn lớn ấy", ông Thành lưu ý.