Thứ gì đã hạ cánh ở đây? Một vật thể bay không người lái UFO hay thiên thạch? Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời về khối địa chất kỳ lạ cao tới 40m nằm sâu trong rừng rậm Siberia, nước Nga.
Với vẻ ngoài sừng sững như một tòa tháp, khối địa chất u ám này nằm lạc lõng giữa khu rừng taiga rậm rạp màu xanh.
Vẻ ngoài của nó trông giống như một chiếc loa khổng lồ - cao 40m và có chiều rộng 100m.
Vào năm 1949, một vài người dân địa phương đã phát hiện ra nó ở một khu vực hẻo lánh nằm ở phía Bắc vùng Irkutsk, cách thị trấn Bodaibo 210 km.
Họ gọi nó là "Tổ Chim Lửa" và cho rằng đây là một địa điểm mà ngay cả động vật cũng tránh lại gần. Có những câu chuyện kể lại về việc những người tới đây đều chết một cách bí ẩn, còn các con vật tới gần đều biến mất không dấu vết.
Bí ẩn đằng sau miệng núi lửa này là gì? Và có một lời giải thích hợp lý nào cho tất cả những sự kiện kì quái đã xảy ra hay không?
Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một số lời giải thích được cho là khá hợp lý.
Khám phá kỳ lạ
Nhà khoa học đầu tiên đến khám phá kiến trúc kỳ lạ này là nhà địa chất Nga Vadim Kolpakov. Năm 1949, ông đến đây để tiến hành nghiên cứu và không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy miệng núi lửa.
Khối địa chất kỳ lạ nằm sâu trong rừng rậm Siberia.
"Tôi cảm thấy mình bị kích thích tột độ", ông nhớ lại. "Ngày từ đằng xa, nó đã khiến tôi liên tưởng đến một cái hố mỏ khổng lồ và tôi thậm chí còn tự hỏi liệu có người ở đó hay không. Đây là một khu vực rừng rậm taiga. Hơn nữa, không có trại lao động nào ở gần đó.
Điều thứ hai tôi nghĩ đến đó là một công trình mang tính khảo cổ, nhưng người dân địa phương không phải là người Ai Cập cổ đại. Họ không thể xây dựng các kim tự tháp đá".
Sau các nghiên cứu tỉ mỉ, nhà khoa học nhận thấy rằng, kiến trúc như miệng núi lửa này là một gò đất lớn cấu tạo từ các khối đá vôi vỡ vụn với đường kính khoảng 160m, trọng lượng ước tính khoảng 1 triệu tấn.
Miệng núi lửa này được đặt tên là "Patom" (tên của một con sông gần đó), nhưng không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cho đến những năm 2000 do thiếu kinh phí.
Giải thích
Bí ẩn của "Tổ Chim Lửa" đã thúc đẩy nhiều giả thuyết khác nhau, từ việc đây là nơi hạ cánh của phi thuyền ngoài hành tinh cho đến kết quả của vụ phản ứng hạt nhân dưới lòng đất. Một trong những quan điểm mà Kolpakov ủng hộ cho rằng miệng núi lửa này được hình thành bởi một thiên thạch rơi trên cao nguyên Patom.
Đây có thể là một mảnh thiên thạch Tunguska rơi vào rừng taiga ở Siberia vào năm 1908. Một số khác cho rằng đây là miệng núi lửa được hình thành do hiện tượng đứt gãy.
Chuyến thám hiểm kết hợp nghiên cứu đầu tiên vào năm 2005 đã không mang lại câu trả lời khả quan nào. Người đứng đầu đoàn thám hiểm đã chết vì một cơn đau tim - một bi kịch mà nhiều người tin rằng đó là điềm xấu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục khảo sát khu vực này. Các cuộc thám hiểm tiếp tục được thực hiện vào những năm tiếp theo (2006, 2008, 2010) đã mang đến những thành công hơn.
Các mẫu vật thu thập từ miệng núi lửa này cho thấy nó được hình thành từ khoảng 500 năm trước (sớm hơn thời điểm thiên thạch Tunguska rơi xuống) và nó có cấu trúc vòng với những vùng riêng biệt được hình thành vào những thời điểm khác nhau.
Cuối cùng, các nhà khoa học đã loại bỏ giả thuyết thiên thạch và đi đến kết luận rằng miệng núi lửa hình thành bởi một vụ nổ trong lòng đất.
Mặc dù vậy, một số người thích tin vào những lời giải thích thú vị hơn, hấp dẫn hơn như một mảnh nhỏ thuộc ngôi sao neutron nào đó rơi xuống Trái đất – có sức công phá lớn đến mức nó đâm thẳng qua Trái đất và trồi lên phía bên kia hình thành miệng núi lửa Patom.
Vẫn không có lời giải thích nào cho những sự kiện kỳ lạ xảy ra xung quanh "Tổ Chim Lửa", ngoài việc ghi nhận từ tính bất thường khiến nhiều người cho rằng có một thứ gì đó nằm trong trung tâm của miệng núi lửa.
Mỗi người sẽ tin vào một lời giải thích khác nhau, nhưng miệng núi lửa này sẽ vẫn là một trong những nơi bí ẩn nhất ở Siberia.