Nhiều luật sư (LS) bày tỏ quan điểm bức xúc về vụ ông Nguyễn Hữu Linh (sinh 1958, ở TP.Đà Nẵng, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng) có hành vi ép hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái (quận 4, TP HCM).
Nói về vụ việc đang là tâm điểm quan tâm của dư luận, LS Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, TP.HCM) bức xúc: "Không thể hình dung nổi một cán bộ ngành cao cấp, từng bảo vệ cán cân công lý lại thoái hóa, biến chất như vậy. Hi vọng không có lý do gì để bỏ qua vụ việc rất nghiêm trọng này".
"Tôi phản đối vài đầu sách bình luận khoa học luật hình sự, mô tả về cấu thành tội dâm ô trẻ em. Sách này nói "phải sờ mó, hôn hít vào bộ phận sinh dục của trẻ em mới truy cứu trách nhiệm hình sự được. Tôi cho đó là tư duy lạc hậu và ấu trĩ, góp phần gia tăng nạn dâm ô trẻ em", LS Kiều Hưng cho biết.
Dư luận đã và đang đặt câu hỏi, về pháp luật thì nếu gia đình bé gái không tố cáo có thể xử lý ông Nguyễn Hữu Linh được không? LS Kiều Hưng cho rằng: "Là được. Việc khởi tố tội dâm ô không phụ thuộc vào yêu cầu của bị hại".
LS Nguyễn Kiều Hưng
Theo LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM), những gì ông nhìn thấy trên video clip ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái đó là một hành vi bệnh hoạn, mất nhân tính và hết sức nguy hiểm. Linh đã táo bạo, thực hiện hành vi dâm ô đứa bé một cách trắng trợn, không hề có sự thăm dò hay lo ngại sự việc bị phát hiện.
"Đến một đứa trẻ khoảng 5-7 tuổi, đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại của ông ta mà ông ta vẫn không buông tha thì không còn gì để nói nữa. Cũng may là sự việc được camera an ninh quay lại được nên sự việc mới bị phát hiện.
Điều này cho thấy, sẽ còn rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở những nơi khác. Nhưng không có camera an ninh theo dõi nên vụ việc chưa bị phát hiện.
Nói như vậy để chúng ta có thể thấy rằng, xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp. Đặc biệt là các hành vi dâm ô trẻ em rất khó thu thập được chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm, trừ khi có camera quay lại hay bị chụp hình, có nhân chứng chứng kiến...
Còn lại, các đối tượng sẽ tìm mọi cách chối phăng hành vi của mình do không để lại dấu vết nên rất khó xác định.
Bên cạnh đó, các trẻ bị lạm dụng tình dục cũng chưa thể nhận thức được hành vi đó là hành vi xâm hại tình dục mình (dâm ô). Nên các bé cũng không thể có phản ứng kịp thời như truy hô, hay thoát ra kẻ bệnh hoạn đó hoặc về kể lại cho cha mẹ, ông bà, anh chị biết", LS Thạch Thảo nói.
Cũng theo LS này, thì với hành vi xâm hại đứa bé như hôn hít, sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm của cháu bé thì đã đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về "tội dâm ô với người dưới 16 tuổi", theo điều 146 BLHS 2015 ( sửa đổi bổ sung 2017) đối với đối tượng này.
"Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, cũng với hành vi cưỡng hôn cô gái trong thang máy mà đối tượng chỉ bị xử phạt có 200 ngàn đồng. Chính vì pháp luật chúng ta chưa dự liệu được các tình huống pháp lí xảy ra trong thực tế nên biện pháp chế tài chưa đủ tương xứng đối với hành vi vi phạm của hành vi tương tự này.
Sau câu chuyện chỉ bị phạt 200 ngàn đồng cho hành vi cưỡng hôn như trên đã vô tình tạo ra một hành lang pháp lí an toàn cho những kẻ bệnh hoạn vì chỉ cần bỏ ra 200 ngàn đồng là họ có thể hôn bất kỳ ai mà họ thích hoặc không thích để làm nhục...
Do vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, thì trong thời gian tới, cần phải bổ sung hành vi tấn công tình dục vào BLHS để ngăn ngừa các hành vi tương tự nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 200 ngàn như hiện nay", LS Thạch Thảo đề xuất.
LS Nguyễn Thạch Thảo
Khó xử lý tổ bảo vệ và ban quản lý chung cư
Cựu người mẫu, diễn viên Trang Trần, đang sống ở chung cư Galaxy 9, nơi xảy ra vụ việc, cho rằng khi sự việc xảy ra, ban quản lý chưng cư biết, tổ chức bảo vệ biết, nhưng không trình báo công an, cố tình giấu kín sự việc. Chính điều này khiến nhiều người cho rằng đây là hành vi không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, theo LS Thạch Thảo: "Theo quy định của Điều 390 BLHS 2015 thì không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện.
Theo đó chỉ phạm tội này nếu không tố giác tội thuộc các khoản 2 và 3 Điều 146 BLHS (tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi). Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần phải đủ điều kiện là người không tố giác biết rõ là tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện và tội phạm thực hiện phải rơi vào khoản 2, 3 Điều 146 BLHS.
Đối chiếu theo quy định của pháp luật này thì rất khó để xử lý hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với ban quản lý chưng cư, tổ chức bảo vệ trong trường hợp này".
Cùng quan điểm, LS Kiều Hưng cũng cho rằng rất khó để kết tội hay chế tài xử phạt ban quản lý chưng cư, tổ chức bảo bảo vệ trong sự việc này.
"Chỉ có thể kiểm tra lại tổ bảo vệ đã làm hết trách nhiệm hay chưa. Cư dân đã bỏ tiền để thuê bảo vệ sự an toàn khi ở chung cư.
Khi phát hiện thì họ phải có trách nhiệm trình báo. Nhưng nếu họ chưa làm tròn trách nhiệm công việc, chưa theo dõi sâu sát trong việc theo dõi, quản lý hệ thống camera an ninh... thì cũng chỉ có thể xử lý bằng cách cắt hợp đồng, cho họ nghỉ việc thôi", LS Kiều Hưng nói thêm.