Lời cáo buộc 'châm ngòi' căng thẳng mới giữa Trung Quốc-Australia
Mới đây, Thượng nghị sĩ Australia Concetta Fierravanti-Wells đã đưa ra một lời cảnh báo đối với các quốc gia láng giềng về các khoản đầu tư béo bở của Trung Quốc, khiến cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại nước này vô cùng phẫn nộ.
Cụ thể, Thượng nghị sĩ Australia Concetta Fierravanti-Wells đã cáo buộc Trung Quốc dụ dỗ các quốc gia nghèo Thái Bình Dương bằng các khoản vay ưu đãi mà các nước này không có khả năng chi trả. Bà gọi đó là chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Theo nữ Thượng nghị sĩ này, thì chiêu "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc tuy không có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời như tấn công quân sự, nhưng không hề thua kém về mặt hiệu quả.
"Ngày nay, tuy mối họa xâm phạm chủ quyền không còn trực diện như trước, nhưng chính sách ngoại giao bẫy nợ cũng nguy hiểm không kém.
Các quốc gia Thái Bình Dương sẽ phải sử dụng nguồn ngân sách chính phủ có hạn của họ để đảm bảo trả được nợ theo đúng cam kết và không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ. Như vậy thì các khoản chi tiêu trong nước và các chương trình xã hội quan trọng của họ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Hậu quả là sự ổn định trong nội bộ các quốc gia này có thể sẽ bị ảnh hưởng, cùng với đó là nhu cầu nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, ví dụ như Australia, sẽ ngày càng gia tăng.
Tóm lại, những công dân nộp thuế của Australia có thể sẽ là những người gián tiếp phải trả nợ cho Trung Quốc", bà Fierravanti-Wells viết trên báo The Australian.
Trước đó, bà Fierravanti-Wells từng chỉ trích Trung Quốc đầu tư xây dựng "những tòa nhà vô dụng" và "những con đường chẳng dẫn tới đâu" tại các quốc đảo Thái Bình Dương.
Quả thực, Trung Quốc đã khá hào phóng đối với các quốc gia như Vanuatu, Tonga và Quần đảo Soloman. Trong giai đoạn từ năm 2000-2016, Bắc Kinh đã đầu tư tổng cộng 2,3 tỉ USD tại Thái Bình Dương, mà chủ yếu là các khoản vay ưu đãi, theo Viện nghiên cứu Lowy.
Australia tố Trung Quốc dùng chính sách "ngoại giao bẫy nợ" để "câu mồi" tại Thái Bình Dương. Minh họa: The Economist.
Trung Quốc phản pháo gay gắt
Tuy nhiên, trước những lời cáo buộc của nữ Thượng nghị sĩ Fierravanti-Wells, Trung Quốc đã gay gắt bác bỏ và chỉ trích ngược lại rằng Australia đang có động cơ mờ ám đối với Bắc Kinh.
"Luận điệu nực cười và vô lý [của bà Fierravanti-Wells] mang đầy tâm lý Chiến tranh Lạnh. Nó cho thấy những định kiến, sự kiêu ngạo và tắc trách của bà này", Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia phản pháo.
"Phát biểu vừa qua của bà Thượng nghị sĩ lại nhắc đến lời cáo buộc "bẫy nợ" đầy sáo rỗng. Bà ấy đã cố chứng minh cho những lí lẽ vô căn cứ của mình bằng cách viện dẫn lời Thủ tướng Tongan Akilisi Pohiva, và lấy ví dụ về cảng Hambantota của Sri Lanka.
Tuy nhiên, Thủ tướng Pohiva đã làm rõ điều này trong thông báo trước đó. Ông đã khẳng định rằng Trung Quốc chưa bao giờ dọa sẽ lấy tài sản của Tonga để gán nợ, và chính phủ hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại về việc trả khoản vay ưu đãi ấy.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng đã công khai tuyên bố rằng Sri Lanka không rơi vào bẫy nợ do những khoản nợ lãi suất cao của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định Sri Lanka không trao toàn bộ quyền kiểm soát các cảng biển chiến lược cho Trung Quốc", theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia.
Cơ quan đại diện của Bắc Kinh khẳng định rằng việc Trung Quốc giúp đỡ các quốc gia Thái Bình dương "không có ràng buộc về chính trị", và nói rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm cản trở việc làm trên "đều sẽ thất bại":
"Các vị không thể kì vọng được người khác tôn trọng bằng cách 'bôi tro trát trấu' người khác. Liệu khoản hỗ trợ của Trung Quốc có hiệu quả hay không, và liệu nó sẽ là miếng bánh ngọt hay cạm bẫy, tất cả đều phải để người dân và chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương (vay nợ trung Quốc) tự nhận xét".
Đây không phải trận khẩu chiến đầu tiên giữa Trung Quốc và Australia về vấn đề của các quốc đảo Thái Bình Dương. Đầu năm nay, cơ quan truyền thông của chính phủ Bắc Kinh thậm chí còn gay gắt đến mức gọi Australia là "chúa tể kiêu căng".
Nỗi lo lớn nhất của các chuyên gia Australia là Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính để phục vụ những mục đích 'xấu xa'.
"Những khoản nợ đó đã giúp Trung Quốc có được lợi thế đòn bẩy quan trọng tại các quốc gia Thái Bình Dương, và có thể Bắc Kinh sẽ sử dụng lợi thế này để gây sức ép, buộc các 'con nợ' phải sử dụng cơ sở hạ tầng để cấn trừ nợ.
"Đó không phải là khoản đầu tư mà hai bên cùng có lợi. Chỉ mình Trung Quốc được hưởng lợi mà thôi. Họ không chỉ được tiếp cận với các nguồn tài nguyên địa phương, thị trường mới, hay tăng cường hiện diện trong khu vực, mà còn có thể ép các 'con nợ' nhượng lại tài sản khi những nước này không còn đủ khả năng trả nợ", Viện nghiên cứu Lowy cảnh báo.