TNI: “Bá chủ” mà Trung Quốc đang hướng tới chỉ là trò bắt nạt

Phạm Khánh |

Hôm 3/8, The National Interest (TNI) của Mỹ đăng tải một bài bình luận cho rằng, Trung Quốc đang hiểu sai khái niệm “bá chủ”, do đó thản nhiên ngang ngược ở Biển Đông và rằng Bắc Kinh sẽ mất vô số thứ khác, ngoài danh dự, nếu tiếp tục như vậy.

Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Theo phụ lục VII. Theo đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quấy nhiễu láng giềng, xây dựng trái phép trên Biển Đông. 

Khả năng đáng ngại nhất là Trung Quốc lập vùng định dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ thách thức bất kì máy bay hay tàu quân sự nào đi vào khu vực này mà không thông báo trước cho giới chức Trung Quốc. Nó cũng bao hàm việc thôn tính Biển Đông.

Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ bị các nước láng giềng, Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới phản đối nếu làm như vậy. Ấn Độ và Pháp cũng đã cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. 

Do đó, theo TNI, việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ ở Biển Đông sẽ tương đương với quyết định chiến tranh với Mỹ và nhiều quốc gia khác. 

Liệu Trung Quốc có thực sự muốn hay dám đối đầu với liên minh lực lượng hải quân của các quốc gia đó hay không?

Ngoài ra, theo TNI, xét cả về khía cạnh kinh tế, chính sách về Biển Đông của Trung Quốc ngay từ đầu đã sai lầm. 

Trung Quốc có thặng dư thương mại với Nhật Bản, EU và Mỹ đạt gần 500 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, thặng dư thương mại với Mỹ là 360 tỷ USD/năm, chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh sẽ chắc chắn rơi vào suy thoái nếu gây chiến với Mỹ.

Hơn nữa, dù muốn hay không, Hải quân Mỹ đang kiểm soát cả eo biển Hormuz ở vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Malacca gần Singapore. 

Một nửa nhu cầu dầu khí hàng ngày của Trung Quốc đều được chuyển qua hai khu vực này. Nếu chiến tranh xảy ra, con đường dẫn dầu đó vào Trung Quốc có thể sẽ bị cắt đứt.

Vậy Trung Quốc nên làm gì để được công nhận là một nước lớn? TNI cho rằng, ít nhất nước này cần đạt được những yêu cầu sau: Một cường quốc xứng đáng được tôn trọng; người dân Trung Quốc đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc và cũng xứng đáng được tôn trọng; Trung Quốc cần được các quốc gia bình thường ủng hộ.

TNI cho rằng, đối với Trung Quốc, việc lùi bước hay chấm dứt những hành động hung hăng ở Biển Đông sẽ là một sự 'sỉ nhục'. 

Tuy nhiên, chẳng quốc gia nào, kể cả Mỹ, cho là như vậy. 

Trung Quốc đã hành động hung hăng ở Biển Đông trong một thời gian dài. Một Trung Quốc đầy sự ngang ngược và cáu giận gây ra nhiều nguy cơ tồi tệ và lâu dài cho khu vực. 

Tồi tệ nhất, nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ và chiến tranh xảy ra, tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Mỹ, chính Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị phá hủy.

Theo TNI, sở dĩ Trung Quốc đang hành động sai lầm bởi hiểu sai về khái niệm “bá chủ”. Đối với Trung Quốc, "bá chủ" được hiểu giống như một đưa trẻ lớn hơn những đứa trẻ khác trong khu phố và có thể chiếm mọi sân chơi. 

Do đó, vì nghĩ mình lớn hơn về kính thước (diện tích, dân số, kinh tế, quân sự) so với các nước láng giềng nên Trung Quốc tự cho mình quyền chiếm mọi thứ mình muốn. Kiểu như, tôi rất to lớn vì vậy tôi đáng được tôn trọng. Tôn trọng có nghĩa là các sân chơi đều là của tôi và bạn chỉ được chơi khi tôi cho phép. Hãy nhớ rằng, tôi có thể đánh bạn.

Ngược lại, Mỹ hiểu “bá chủ” là "nhà điều hành một hệ thống." 

Theo quan điểm này, quốc gia làm bá chủ được ví như một người lớn. Người lớn có cả cơ hội và nghĩa vụ với trẻ em nhưng không bao gồm đánh đập những đứa trẻ nhỏ đang trên sân chơi và lấy kẹo của chúng. 

Do đó, Mỹ xem hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là hành động của một thiếu niên vô trách nhiệm, bắt nạt những nước yếu hơn, chứ không theo nghĩa vụ mang tính hệ thống.

Khoảng cách ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ còn rất xa. Mỹ có thể gây ảnh hưởng trên toàn thế giới, trong khi Trung Quốc chỉ có thể bắt nạt được láng giềng và chẳng được mấy nước thực sự tôn trọng.

Tóm lại, Trung Quốc coi bá quyền hay bá chủ là "quốc gia hùng mạnh nhất, muốn gì được nấy”, còn Mỹ xem đó là "người bảo đảm quyền đối với các tài sản quốc tế"

Chính vì hành động theo cách hiểu sai lầm đó, Bắc Kinh hiện đang được xem là mối đe dọa to lớn thay vì một nước lớn trong khu vực.

Theo TNI, nếu muốn gây được ảnh hưởng và được tôn trọng. Trung Quốc cần khiến các quốc gia khác tin tưởng rằng Bắc Kinh có thể bảo vệ các quyền của họ và thực hiện một cuộc chơi công bằng thay vì dọa nạt, quấy nhiễu họ như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Steven Kopits, một chuyên gia từng nghiên cứu về sự phát triển của Trung Quốc, có rất ít khả năng cả lãnh đạo và người dân Trung Quốc làm được như vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại