Ngô Văn Thọ với biệt danh "người cá" tự tin livestream trên trang Facebook cá nhân - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mang hình hài dị thường, chàng trai 29 tuổi ở huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) với biệt danh "người cá" đã hòa nhập với cộng đồng sau 12 năm ăn tết tách biệt với mọi người.
Hòa nhập dần với cộng đồng
Từ khi sinh ra, Ngô Văn Thọ (29 tuổi, quê tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã mắc căn bệnh hoại tử da (hay còn gọi là bệnh da cá, da rắn). "Ngày xưa ông nội tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, sinh ra bố tôi cũng bình thường, lành lặn.
2 anh chị của tôi cũng bình thường, nhưng đến lượt tôi, từ khi sinh ra đã mang hình hài quái dị, nhiều người đã bảo bố mẹ vứt tôi đi, nuôi làm gì cái thứ quái thai này. Tôi sinh ra đã bị thiệt thòi nhưng mọi người trong nhà rất thương tôi, luôn động viên và hết lòng chạy chữa.
Biệt danh "người cá" do một người thân trong gia đình đặt cho, tôi thấy nó thân thương nên cũng để tên như vậy trên mạng xã hội Facebook" - Thọ chia sẻ.
Làn da của Thọ bong tróc quanh năm, lúc nào cũng nứt nẻ, khô rát khiến Thọ có ngoại hình không được ưa nhìn. Khi đẻ ra, gia đình đã quyết định đưa Thọ di chuyển lên núi Gò, cách khá xa khu dân cư để sinh sống, cũng nhằm tránh sự soi mói, kỳ thị của nhiều người.
Trên núi còn có khoảng 20 hộ gia đình khác sinh sống, mỗi nhà cách nhau khá xa nên ít người để ý, hàng ngày Thọ phụ anh trai làm việc nhà cho bố mẹ đi làm.
Kể về việc đón Tết trong khoảng thời gian 12 năm tách biệt với cộng đồng, chàng trai "người cá" kể: Ngày mùng 1 Tết, sau bữa cơm cúng gia tiên, bố mẹ lại chở các anh em Thọ xuống thăm những gia đình họ hàng thân thiết nhất, còn họ xa thì Thọ sẽ hạn chế vì ngoại hình của Thọ.
Phần lớn thời gian Thọ ở nhà, nhiều người hàng xóm sang chúc tết, họ hàng dưới làng lên thăm Thọ cũng không dám ra gặp mặt vì tự ti. Đến năm 12 tuổi, Thọ đã vượt qua được mặc cảm, cùng gia đình xuống khu dân cư sinh sống cùng mọi người và bắt đầu đi học.
Thời điểm đến trường là khoảng thời gian khó hòa nhập nhất đối với Thọ, bị các em nhỏ tuổi hơn xa lánh, lên lớp Thọ cũng chỉ chơi một mình. Đến khi cô giáo nói bệnh của Thọ không lây, từ đó mới có một số bạn chơi với Thọ.
Khi dùng mạng xã hội, để hòa nhập với mọi người, chàng trai "người cá" đã livestream trên trang Facebook cá nhân. Những ngày đầu mới livestream, Thọ nhận được nhiều lời bình luận khiếm nhã vì ngoại hình của mình.
Trước những bình luận ác ý này, Thọ cho rằng "tôi muốn sống cho chính bản thân của mình, vì sở thích và đam mê. Thứ nữa là muốn khi mọi người nhìn thấy tôi qua mạng xã hội, để biết rằng, dù bệnh tật nhưng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan".
Tình yêu sâu đậm với thơ
"Sống trên núi không có điện, những ngày hè nóng bức, bà nội của tôi là người hàng ngày dùng quạt nan quạt cho cháu, bôi thuốc, giữ ẩm cho tôi để hạn chế việc bong tróc làn da. Bà cũng là người dạy và hình thành tình yêu văn nghệ và nghị lực sống cho tôi. Tôi thích hát, thích làm thơ, tôi đã làm rất nhiều bài thơ.
Tình yêu với thơ trong tôi rất mãnh liệt. Ước mơ của tôi là kiếm đủ tiền để xuất bản tập thơ mà tôi đã sáng tác nhiều năm qua, xuất bản tập thơ không chỉ là mong ước của bản thân tôi, tôi muốn đưa tập thơ đó để tặng người bà nội đã khuất của mình, để tưởng nhớ bà" - chàng trai "người cá" bày tỏ.
Thọ kể thêm những năm qua, anh đã làm rất nhiều việc như phụ hồ, bán hàng…. Gần đây trang Facebook của anh bị hạn chế, không được like, bình luận nên dự định bán hàng qua mạng của anh cũng bị gián đoạn. Việc bán hàng qua mạng là để anh gom góp tiền xuất bản được tập thơ của mình, hiện anh đã gom góp được 5 triệu đồng và sẽ cố gắng để hoàn thiện, xuất bản được tập thơ của bản thân.
Năm nay đã 29 tuổi nên nhiều người trong gia đình cũng đã động viên chàng trai "người cá" tìm kiếm "một nửa" của cuộc đời nhưng Thọ lại tâm tư: "Bản thân tôi bị thế này cũng là một điều không may, dù rằng cũng rất muốn tìm một nửa của mình nhưng suy đi tính lại thì lại không được, bởi nếu tìm được một nửa của mình thì thế hệ con cái sau này và người bạn đời của mình sẽ ra sao.
Năm nay cũng nhiều người thân giục cưới vợ nhưng tôi cứ lảng vấn đề này đi".
Nói về tình yêu, chàng trai "người cá" cho biết cũng có một mối tình đầu, tuy nhiên chỉ sau hơn 1 năm yêu nhau thì cuộc tình không thành. Mãi 5 năm sau khi tiếp xúc xã hội nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn thì chàng trai này mới có thể "đả thông tâm lý", mới nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn về tình đầu.
Thọ cho biết hiện cuộc sống của mình rất nhẹ nhàng, tuy thỉnh thoảng vẫn có những xáo trộn nhỏ. Hàng ngày anh giúp người dân xung quanh làm lễ ở đền thờ Hai Chú trong làng, "làm những việc tâm linh tôi cũng cảm thấy tâm mình tĩnh hơn, cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn" - Thọ nói.
Bài thơ "Đón Xuân về" của Ngô Văn Thọ
Xuân đẹp lắm mẹ ơi Xuân đẹp lắm
Cây đâm chồi lẩy lộc muôn nơi
Vài ngày nữa là đến mùa Xuân mới
Mới thật mà Xuân mới lắm mẹ ơi!
Con ghét dịch sao có khắp muôn nơi
Thương bác sĩ ơi ngày đêm vất vả
Thương Chí Linh Vân Đồn phong tỏa
Ôi bao người mất Tết mẹ ơi!
Con ước gì hết dịch ở muôn nơi
Đào khoe sắc mai vàng như nắng mới
Để cả nước đồng bào ta phấn khởi
Đón Xuân về rực rỡ khắp muôn nơi.