Lâu nay nhiều người nghĩ rằng "công tử Bạc Liêu" là mỹ danh dành riêng cho chàng Ba Huy - người giàu có ăn chơi nhất nhì Lục tỉnh Nam Kỳ từ thế kỷ trước. Nhưng sự thật thì đây là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ chung các công tử - con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc.
Đó là những cậu ấm cô chiêu con của các đại điền chủ, hội đồng thừa mứa tiền của, nổi đình đám ở Sài Gòn và Lục tỉnh về cách ăn chơi phong lưu phóng túng. Ban đầu, cụm từ "Công tử Bạc Liêu" ra đời để chỉ một nhóm người gồm Hai Đinh, Ba Cân, Dù Hột... chứ không phải chỉ đích danh Ba Huy (Trần Trinh Huy). Thế nhưng sau đó Ba Huy ăn chơi bạo nhất, nổi tiếng nhất hội cậu ấm với giai thoại đốt tiền nấu chè, nên dần dần danh xưng "công tử Bạc Liêu" được gán hẳn cho ông.
Tiểu sử công tử Bạc Liêu
"Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
Vang danh công tử Bạc Liêu
Đốt tiền luộc trứng tỏ ra mình giàu".
Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe đến những câu thơ này. Nó gợi nhớ đến cuộc đời thăng trầm gắn liền với sự xa hoa phung phí của cậu ấm Ba Huy, người sinh ra đã ngậm thìa vàng và lưu danh muôn đời với cái tên "công tử Bạc Liêu".
Ông Trần Trinh Huy tên thật là Trần Trinh Quy, sinh ngày 22/6/1900. Ông cho rằng cái tên "Quy" không sang trọng nên tự đổi lại thành "Huy". Ngoài biệt hiệu "công tử Bạc Liêu", Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba, Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử - một nhân vật ăn chơi khét tiếng khác thời đó).
Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch (tức Hội đồng Trạch) và bà Phan Thị Muồi - con gái bá hộ Phan Văn Bì, người có đất ruộng nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu. Như vậy xuất thân của Ba Huy đúng là không phải dạng vừa, bởi ông ngoại là "Vua lúa gạo Nam Kỳ", còn cha là 1 trong 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ - người được xướng tên trong câu nói dân gian huyền thoại: "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch".
Trần Trinh Huy được mô tả có thân hình cao lớn, tràn đầy sinh lực, nước da ngăm đen, lông mày rậm. Tính tình ông khoáng đạt, coi tiền như rác, thích đi đây đi đó với lối sống cực kỳ xa hoa, để lại nhiều giai thoại khét tiếng đến tận bây giờ. Hễ ra đường là ông đóng bộ đồ vest đắt đỏ, chơi bời không tiếc tay.
Cuộc đời công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy rất ly kỳ và có đường tình duyên vô cùng rắc rối. Ngoài 4 bà vợ chính thức, Ba Huy còn vô số nhân tình và con ngoài giá thú khác nữa. Tuy nhiên các nhân tình sinh con rơi đều không được dòng họ Trần Trinh công nhận, cũng chẳng thể thống kê hết vì nhiều không đếm xuể.
Mối tình đầu nơi xứ người
Khi mới là cậu thanh niên đôi mươi, Trần Trinh Huy lên đường sang Pháp. Trong 3 năm du học ở Pháp, không tính những buổi hoan lạc qua đường thì công tử Bạc Liêu có khoảng 5 mối tình đáng nhớ. Người tình của cậu Ba Huy lúc đó đều là những cô gái tóc vàng, mắt xanh. Sâu đậm nhất, lâu dài nhất là một cô gái có mái tóc vàng óng tên Marie - làm thu ngân cho một tiệm cà phê nổi tiếng cạnh bờ sông Seine mà cậu thường lui tới.
Bức ảnh được cho là vợ Tây và người con trai lai 2 dòng máu Pháp - Việt của cậu Ba Huy
Mối tình nồng cháy này đã mang lại kết quả là một bé trai lai 2 dòng máu. Lúc con trai Richard được 7 tháng thì cậu Ba Huy trở về Việt Nam. Trước khi về cậu không quên điện cho gia đình báo gửi sang một khoản tiền khá lớn với lý do thanh toán chi phí học tập, nhưng thật ra là tiền để cho Marie nuôi con.
Vài năm sau Marie dắt con trai Richard sang Việt Nam tìm bố. Tuy nhiên mẹ con cô chỉ ở lại nhà của "Hắc công tử" vài tháng vì khi ấy ông đã kết hôn với bà vợ chính thức đầu tiên. Cậu Ba Huy lại cho mẹ con Marie thêm một khoản tiền lớn để về Pháp sống.
Chính thất Ngô Thị Đen
Người vợ đầu tiên được công tử Bạc Liêu cưới hỏi đàng hoàng tên Ngô Thị Đen, con của bá hộ Mín - người giàu có nổi tiếng trong vùng. Biết tính chồng đào hoa, bà Đen âm thầm chịu đựng suốt nhiều năm trời. Bà về làm dâu gia tộc Trần Trinh năm 1934, ba năm sau sinh được một người con gái đặt tên là Trần Thị Lưỡng.
Bà Đen sống âm thầm như cái bóng bên cạnh người chồng luôn nổi bật. Thay vì chạy theo chồng để ghen tuông thì bà dồn hết thời gian, tâm trí để lo cho đứa con gái duy nhất. Nhờ đó mà cô Lưỡng được ăn học đàng hoàng chứ không chơi bời lêu lổng như những đứa con khác của bố.
Từ khoảng năm 1955, khi đã quá chán ngán cảnh chồng lăng nhăng tối ngày, bà Đen đã rời Bạc Liêu để qua Pháp sống với con gái. Từ đó cho tới khi qua đời vào năm 1972, bà Đen chỉ về Bạc Liêu vài ba lần vào các ngày đám tang của cha mẹ hai bên. Bà Đen mất tại Thụy Sĩ và được chàng rể Pháp thuê máy bay chở quan tài về Sài Gòn, rồi đưa về an táng ở Bạc Liêu trong khu mộ của gia tộc Trần Trinh.
Những người vợ khác
Người phụ nữ thứ hai được Ba Huy cưới hỏi là một cô gái đẹp trên Sài Gòn (không rõ danh tính) và sinh được 2 người con tên Hiếu - Thảo. Cô Thảo giống mẹ, xinh đẹp và dịu dàng, khi lớn lên đã lập gia đình với một người đàn ông trí thức, về sau là Chánh án Tòa án Biên Hòa.
Người vợ được công tử Bạc Liêu cưới hỏi tiếp theo gốc Mỹ Tho, tên Trần Thị Hai. Bà Hai ở với Ba Huy sinh được 2 người con trai, đặt tên là Trần Trinh Nhơn và Trần Trinh Đức. Anh Trần Trinh Đức là hậu duệ duy nhất của công tử Bạc Liêu ở lại quê nhà nhưng gia cảnh nghèo khó, mất năm 2022.
Những người vợ sau của công tử Bạc Liêu
Người vợ cuối cùng được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng nhỏ hơn ông tới 40 tuổi. Bà tên Bùi Thị Ba, xuất thân tầng lớp lao động nghèo, sống bằng nghề gánh nước thuê ở cạnh công viên Tao Đàn.
Công tử Bạc Liêu cưới bà Ba khi đã ngoài 60 tuổi còn bà Ba mới ngoài hai mươi. Hơn 10 năm cuối đời tuy sức tàn lực kiệt nhưng cậu Ba Huy vẫn đẻ thêm được 4 người con, đặt tên rất kêu là Hoàng - Toàn - Trinh - Nữ.
Trên đây là những người vợ được Ba Huy cưới hỏi đàng hoàng và tên tuổi hậu duệ được gia tộc Trần Trinh thừa nhận. Cậu Ba Huy mất năm 1974 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.