Mới đây, Công an tỉnh Bắc Kạn đã thụ lý, điều tra đối tượng Nông Minh Quân (19 tuổi) là nhân viên một quán karaoke tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Theo điều tra của lực lượng chức năng, khi làm việc tại quán, Quân đã nảy sinh tình cảm và 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với với nữ nhân viên của quán mới 14 tuổi.
Đây không phải vụ việc cá biệt khi chỉ trong tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã khởi tố, điều tra 2 vụ “Mua bán người dưới 16 tuổi”, 1 vụ án “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Điều đáng nói, cả 3 nạn nhân đều là nhân viên nữ phục vụ tại các quán karaoke.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn: Năm 2023, toàn tỉnh có 21 vụ án liên quan đến xâm hại tình dục với các nạn nhân ở tuổi vị thành niên, tăng 3 vụ so với năm 2022. Đáng lo ngại, một số trẻ em ở các huyện vùng cao chỉ mới 13-14 tuổi bị dụ dỗ làm việc tại các quán karaoke và trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, nhất là với một số em gái ở vùng cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Một thiếu nữ là nhân viên quán karaoke và cũng là nạn nhân của xâm hại tình dục chia sẻ: “Em làm được 6 tháng, em thích đi thì đi, bố mẹ em không quản, bố mẹ kệ luôn, thích thì về, không thì thôi”.
Một điều cũng đáng quan tâm nữa, đó là khoảng 1/3 số vụ xâm hại trẻ em có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. Một số đối tượng sử dụng môi trường mạng để đưa ra các lời mời chào hấp dẫn về việc làm và tìm kiếm các em gái nhẹ dạ, cả tin hoặc để dụ dỗ, lôi kéo các trẻ em gái thực hiện hành vi giao cấu. Những cái bẫy trên không gian mạng đang là một nguy cơ tiềm ẩn nếu phụ huynh không quan tâm sát sao đến con em mình. Hậu quả là phút nhẹ dạ, cả tin vào những lời hứa "việc nhẹ, lương cao" nên đã trở thành con nợ, sau đó bị ép phải "phục vụ" khách.
“Em làm một thời gian sau không muốn làm nữa thì chủ bảo phải đưa 5 triệu đồng mới cho về, khi em đưa tiền, định về thì họ lại đổi ý, bảo phải tìm được người mới thay em thì mới được đi về”.
“Em từ tỉnh khác đến, lúc đầu họ bảo đến Thái Nguyên làm, đến bến xe Thái Nguyên họ đưa em về Bắc Kạn làm việc, em chỉ nghĩ sẽ làm việc ở Thái Nguyên”.
Thượng tá Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Bên cạnh việc khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ việc để xử lý nhằm tạo tính răn đe thì việc nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm xâm hại trẻ em cũng là yếu tố rất quan trọng.
Theo Thượng tá Hồng Giang, một số huyện, xã điều đời sống còn khó khăn thường xảy ra tội phạm xâm hại trẻ em. Lực lượng Công an cũng đã chủ động có kế hoạch để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đồng bộ, nâng cao nhận thức của người dân, phụ huynh, của xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ em. Cũng như việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này”.
Việc nâng cao đời sống kinh tế cũng như nhận thức của người dân, đặc biệt là của các bậc phụ huynh và chính mỗi trẻ vị thành niên sẽ là giải pháp mang tính căn cơ, để nạn xâm hại trẻ em còn không còn là nỗi ám ảnh với các bản làng vùng cao.