Tình trạng báo động đe dọa các "megacity" của châu Á, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh

Thi Anh |

"Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", một trong những tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh.

Nhiều khu vực ở các megacity - những thành phố lớn nhất châu Á có thể bị ngập vào năm 2100 vì tình trạng nước biển dâng cao do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và hiện tượng dao động của đại dương, CNN dẫn nguồn nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change cho hay.

Hiện nay, mực nước biển vốn đang tăng dần do nhiệt độ đại dương ấm lên và băng tan ở mức chưa từng có vì biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã hé lộ góc nhìn mới và đưa ra cảnh báo đáng chú ý về tác động tệ hại mà tình trạng này có thể gây ra với hàng triệu con người.

Mặc dù nhiều megacity có đường bờ biển ở châu Á vốn đã đứng trước nguy cơ bị ngập nhưng nghiên cứu cho rằng các phân tích trước đó vẫn đánh giá thấp mức tăng của mực nước biển và tình trạng ngập lụt do dao động tự nhiên của đại dương.

Vì hiện tượng dao động tự nhiên của đại dương có mức độ biến thiên lớn nên khó có thể đo đếm được sức ảnh hưởng. Dù vậy, theo nghiên cứu, tác động tối đa có thể từ tình trạng này kết hợp với những hệ lụy dự kiến từ biến đổi khí hậu có thể khiến một số megacity ở Đông Nam Á trở thành các điểm nóng mới với mực nước biển tăng cao.

Ví dụ như thủ đô Manila của Philippines: Nghiên cứu dự đoán rằng các đợt ngập ven bờ trong thế kỷ tới sẽ xảy ra nhiều gấp 18 lần so với trước đây, chỉ đơn thuần do biến đổi khí hậu. Còn khi tính tới tình trạng dao động tự nhiên ở mực nước biển thì tần suất của hiện tượng sẽ tăng vọt, cao gấp 96 lần so với trước đây.

Và Manila, thành phố có hơn 13 triệu dân, không phải là trường hợp duy nhất.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng thủ đô Bangkok của Thái Lan, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và thành phố Yangon của Myanmar cũng đứng trước những nguy cơ đáng lo ngại, cùng với Chennai, Kolkata (Ấn Độ), một vài hòn đảo nhiệt đới ở Thái Bình Dương và khu vực Tây Ấn Độ Dương.

Tình trạng mực nước biển dâng cao dọc các bờ biển phía Tây của Mỹ và Australia cũng sẽ gia tăng.

Chỉ tính riêng các megacity của châu Á, hơn 50 triệu người có thể bị ảnh hưởng vì tình trạng mực nước biển gia tăng cao hơn dự tính.

Tình trạng báo động đe dọa các megacity của châu Á, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu, những thành phố lớn của châu Á như Manila (Philippines) đứng trước nguy cơ mực nước biển tăng cao. Ảnh: Dante Diosina Jr/Anadolu Agency/Getty Images

"Chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất"

Lourdes Tibig, cố vấn khoa học khí tượng từ Viện Khí tượng và Các thành phố Bền vững (Philippines) cho rằng, kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tính cấp bách của quá trình đối phó với biến đổi khí hậu.

"Thế giới cần hành động một cách khẩn thiết và tham vọng hơn nữa nhằm xử lý biến đổi khí hậu để bảo vệ hàng triệu người đang sống ở các thành phố megacity ven biển của chúng ta", Tibig nói.

Do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), Đại học La Rochelle (Pháp) và Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khí quyển Mỹ (NCAR) thực hiện, nghiên cứu kết luận: Những thay đổi về mực nước biển nhiều khả năng phải tới cuối thế kỷ 21 mới diễn ra. Tuy nhiên, nếu tốc độ phát thải khí nhà kính gia tăng thì rủi ro sẽ cận kề hơn.

Nhà khoa học Aixue Hu (NCAR), một trong những tác giả nghiên cứu, cho rằng các nhà hoạch định chính sách và công chúng nên lo ngại về những mối đe dọa tiềm tàng này.

"Từ góc độ chính sách, chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", Hu nói.

Các vùng biển ấm lên

Theo thông cáo báo chí của NCAR, nghiên cứu phát hiện ra rằng các hiện tượng tự nhiên như El Nino có thể làm khuếch đại tình trạng mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu thêm 20-30%, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt cực đoan.

Biến đổi khí hậu vốn đã gây ngập lụt cực đoan chưa từng có ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm ngoái.

Nghiên cứu của cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus Climate Change Service (thuộc Liên minh Châu Âu) mô tả năm 2022 là "năm của các hiện tượng khí hậu cực đoan", bao gồm cả các vụ lũ lụt chết người ở Pakistan và các đợt ngập quy mô lớn ở Australia.

Trong khi đó, nhiệt độ của đại dương đang ở mức cao nhất trong lịch sử và dự kiến sẽ còn tiếp tục ấm lên.

"Chúng tôi dự đoán năm 2023 sẽ còn ấm hơn 2022", nhà khoa học khí tượng ở NASA - Gavin Schmidt - cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại