Mới đây, trong tập 46 của phim Trạm cứu hộ trái tim đã diễn ra một tình tiết khiến người xem bàng hoàng vì sự vô lý, thiếu đạo đức của biên kịch.
Cụ thể, nhân vật Vũ đang chuẩn bị vào kíp mổ quan trọng. Tuy nhiên, Vũ ( Trương Thanh Long ) nghe người giúp việc nhà nữ chính Ngân Hà ( Hồng Diễm ) gọi điện báo rằng bé Kitty bị hóc nắp bút đang đi cấp cứu. Ngay lập tức Vũ rời khỏi ca mổ, tìm bác sĩ thay thế và chạy đến xem tình trạng của bé Kitty. Tình tiết này bị đánh giá là "không có thật", "vô đạo đức", "coi thường bác sĩ", "coi thường trí tuệ của khán giả".
Khán giả bức xúc vì thực tế khi các bác sĩ bước vào ca mổ họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề bên ngoài. Đây là tấm lòng lương y của người thầy thuốc, cũng là trách nhiệm mà mỗi người hành nghề y luôn phải ghi nhớ.
Vì vậy, việc một bác sĩ tim mạch như Vũ bỏ ca mổ ngay sát giờ rất vô lý. Tình huống này chứng minh biên kịch hoàn toàn không hiểu biết về ngành y và xây dựng kịch bản đầy sạn, thiếu thực tế.
"Tôi biết một nữ bác sĩ, chị nghe tin con trai bị tai nạn ngay trước giờ mổ. Nhưng chị phải nén đau thương hoàn thành ca mổ, sau khi khâu xong mới nhờ bác sĩ khác theo dõi tình hình bệnh nhân và chạy đến bên con. Đáng tiếc cậu bé không qua khỏi, đó là đứa con duy nhất của chị ấy. Vì vậy, khi xem đến tình tiết này, tôi bức xúc", một khán giả chia sẻ.
Thậm chí, việc bác sĩ Vũ tìm một người thay thế cũng không khả thi. Bởi vì một bác sĩ trước khi bước vào ca mổ quan trọng, thì cần thời gian dài theo dõi tình trạng của bệnh nhân để hiểu rõ bệnh nhân gặp vấn đề ở đâu và có phương hướng chữa trị chính xác. Khoa tim mạch không phải nơi dễ dàng gọi bác sĩ thay thế trong kíp mổ. Bình thường các bác sĩ cũng có lịch trực cụ thể, điều gì khiến Vũ tin rằng bác sĩ mà anh ta gọi tới thay thế đủ sức khỏe và thời gian, kiến thức và sự hiểu biết với bệnh nhân để hoàn thành tốt ca mổ.
Bên cạnh đó, các y tá trực lại ra hỏi bệnh nhân: "Bác sĩ chính đã có việc đi rồi, người nhà bệnh nhân còn muốn mổ hay không?".
Đây là lời thoại cực kỳ vô trách nhiệm. Để có đủ sức khỏe thực hiện ca mổ, bệnh nhân cần kiêng cữ hàng giờ. Đồng thời, không phải bệnh nhân nào cũng đủ sức và thời gian chờ tới ca mổ sau. Nhưng một bác sĩ như Vũ và các y tá không hề nghĩ tới hoàn cảnh của bệnh nhân, dễ dàng bỏ chạy khỏi ca mổ.
Tiếp theo, khi bác sĩ Vũ chạy tới thì bé Kitty đã được cứu chữa. Vậy vai trò của nhân vật ở đây là gì, tại sao biên kịch lại để bác sĩ Vũ ném đi lương tâm người thầy thuốc nhưng chẳng có tác dụng gì như vậy.
Nếu nói hành động bỏ ca mổ của Vũ thể hiện tình yêu và sự quan tâm anh dành cho mẹ con Ngân Hà thì càng chứng minh đây là kịch bản yêu đương không thực tế. Để đến cuối cùng hậu quả Vũ nhận lại là bị đình chỉ công tác.
Bộ phim Trạm cứu hộ trái tim dường như đang truyền tải sai thông điệp về tình yêu, xem nhẹ trách nhiệm với xã hội của thầy thuốc khi liên tục có những tình tiết thiếu thực tế.