Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh trong nỗ lực đàm phán Mỹ - Triều Tiên

Linh Nguyễn |

Bắc Kinh đang đối mặt với nguy cơ từ nhiều phía khi nỗ lực đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán với Mỹ nhằm tìm giải pháp giải tỏa căng thẳng trong khu vực.

Theo Bloomberg, vào tuần trước hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã công khai chỉ trích Trung Quốc vì áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, chế giễu Bắc Kinh đang "nhảy theo điệu nhạc của Mỹ", và cam kết sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Đáp lại Bình Nhưỡng, Bắc Kinh giữ nguyên quan điểm cứng rắn và tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp giải quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bloomberg nhận định, mâu thuẫn hiếm hoi giữa hai đồng minh lâu năm cho thấy thế khó xử của ban lãnh đạo ở Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với phóng viên vào thứ Sáu (24/2): "Có ai thực sự tin rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là chuyện dễ giải quyết không, trong khi nó đã tồn tại nhiều năm trời?". Ông Cảnh Sảng cho biết thêm, hai quốc gia vẫn giữ mối quan hệ "thân thiện".

Căng thẳng liên tục leo thang khi Trung Quốc thúc đẩy tiến trình đàm phán mới về Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, theo Bloomberg, nỗ lực làm cầu nối của Trung Quốc có nguy cơ phản tác dụng vì lý do đơn giản: Kim Jong Un tự tin rằng Bắc Kinh sẽ không muốn chính quyền Triều Tiên hiện tại gặp biến động, khiến Mỹ có thêm cơ hội can thiệp sâu hơn vào khu vực này.

Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại ĐH Lingnan, Hồng Kông cho biết, Trung Quốc đang ở trong tình thế hoàn toàn bất lợi. "Việc hợp tác với Mỹ chỉ làm tình hình tệ hơn khi Triều Tiên có lý do để tiếp tục có hành động khiêu khích."

Bloomberg ghi nhận, Trung Quốc đã cố gắng đàm phán với Mỹ về Triều Tiên, trên cơ sở rằng đẩy Bình Nhưỡng vào thế khó sẽ không có tác dụng, vì nước này sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân đến khi nào ông cảm thấy an toàn trước các thế lực bên ngoài.

Hồi tuần trước, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cam kết sẽ "thảo luận về mối đe dọa của Triều Tiên đối với ổn định trong khu vực". Vào thứ Hai (27/2), ông Dương sẽ có chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử.

Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tình hình càng trở nên nhạy cảm hơn trước thềm kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc (Lưỡng hội) diễn ra vào tuần sau. Trong khi đó, vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc đang bị xem xét luận tội Park Geun Hye, cùng với quan điểm khó lường của Trump, làm gia tăng rủi ro sai lệch trong các tính toán của lãnh đạo Trung Quốc, Bloomberg nhận xét.

Trước đây, Mỹ và đồng minh thường đáp trả những động thái của Triều Tiên bằng việc tổ chức tập trận và áp đặt các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn lời Steve Andreasen - cựu giám đốc chính sách quốc phòng và vũ khí thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng cho hay, "ý kiến cho rằng Mỹ và đồng minh có thể dần gia tăng áp lực quân sự lên Triều Tiên để đạt được mục đích chính trị mà không gây ra xung đột quân sự là nhầm lẫn nguy hiểm đối với chính sách của Mỹ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại