Tình thế lưỡng nan của EU khi phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc

Hoài Thanh |

Pin năng lượng mặt trời, turbine gió, pin ô tô điện – đó chỉ là một vài sản phẩm cần tới một hoặc một nhóm khoáng chất được biết đến với cái tên đất hiếm. Như một sự trùng lặp, đó cũng lại là những sản phẩm, lĩnh vực mà Liên minh châu Âu (EU) đang đặt cược cả tương lai của khối vào đó.

Thế khó nằm ở chỗ, EU vẫn chưa thể sản xuất đất hiếm. Giống như lithium, nguồn lợi đất hiếm rất dồi dào. Thế nhưng những mỏ lớn, đủ để cân nhắc xem xét khai thác quy mô công nghiệp lại chỉ có ở một số ít quốc gia trên thế giới, với các mỏ lớn nhất được phát hiện cho đến nay nằm tại Trung Quốc. Xuất khẩu đất hiếm là ngành kinh doanh giàu lợi nhuận đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á – nơi Trung Quốc đã thiết lập được thế thống trị, điều cả Mỹ và châu Âu đều không mấy vui mừng.

Năm 2020, Trung Quốc khai thác, chế biến được 140.000 tấn đất hiếm, vượt rất xa người về thứ hai là Mỹ (38.000 tấn) và thứ ba là Myanmar (30.000 tấn). Còn châu Âu thậm chí không có tên trong bản danh sách các nhà sản xuất đất hiếm toàn cầu. EU lệ thuộc rất lớn vào nguồn cung đất hiếm tại Trung Quốc và để giảm phụ thuộc, liên minh này gần đây đã thảo luận một kế hoạch hành động nhằm sản xuất đất hiếm ngay trong nội khối.

Kế hoạch hành động đề ra hướng nghiên cứu và phát triển phương pháp khai mỏ, chế biến mới, cung cấp nguồn lực tài chính ổn định cho dự án khai thác, ứng dụng hiệu quả các cơ hội tái chế. Các nước thành viên cũng hướng đến mục tiêu hành lập Liên minh khoáng chất thô châu Âu (ERMA) để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trong EU, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng đất hiếm khai thác. Tuy nhiên, kế hoạch hiện mới chỉ dừng ở khâu thảo luận, chưa có bước đi chính thức nào trên thực tế.

Một mỏ mới được phát hiện ở Na Uy có vẻ như sẽ giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Không chỉ hứa hẹn là mỏ phosphat lớn bậc nhất thế giới, mỏ Norge ở vùng tây nam Na Uy còn có cả tiềm năng trữ lượng của hai nhân tố đất hiếm khác là vanadium và titanium – vốn rất thiết yếu trong ngành chế tạo pin dùng cho ô tô điện. Lãnh đạo châu Âu và các công ty chế tạo ô tô trong EU có thể sẽ rất vui mừng trước thông tin này.

Thế nhưng khó khăn vẫn chưa hết, đất hiếm của Na Uy sẽ đắt hơn đất hiếm của Trung Quốc. Phải thấy rằng, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất và là nước có thể khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm với mức giá cạnh tranh nhất, rẻ hơn đất hiếm của Na Uy – nước mới chỉ mới bắt đầu khai thác, với chi phí nhân công lại cao hơn nhiều. Ngoài ra, chỉ riêng mỏ Norge là không đủ để bảo đảm rằng EU có tất cả nhân tố đất hiếm cần thiết để biến Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green New Deal) từ ý tưởng thành thực tế.

Đây là lần thứ hai EU đánh giá không đúng mức về tầm quan trọng của nguồn cung nội khối. Trước đó, các hãng chế tạo xe hơi, đồ điện tử của châu Âu đã để bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn pin nhập khẩu có thể sạc lại. Giờ đây, các nước trong khối đang phải tìm cách sửa lỗi lầm này, thông qua việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngay trong nội địa. Nhưng vấn đề đất hiếm còn trầm trọng hơn: Trung Quốc có thể ra quyết định bất ngờ về cấm xuất khẩu. Với EU, viễn cảnh này còn đáng sợ hơn việc Nga đe dọa ngắt cung cấp khí đốt, khi mà châu Âu chuyển hướng sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, giảm dần tiêu thụ khí đốt.

Nguy cơ này không phải là không có cơ sở. Điều tra của Financial Times (Anh) đầu tháng này cho biết, cơ quan quản lý Trung Quốc đã đề xuất áp dụng biện pháp hạn chế mới đối với sản xuất, xuất khẩu 17 nhân tố đất hiếm. Ngoài ra, giới chức chính quyền cũng đã yêu cầu lãnh đạo điều hành các công ty, tập đoàn đánh giá, lượng định chính xác mức độ tổn thất các công ty của Mỹ và châu Âu phải gánh chịu một khi Bắc Kinh siết chặt xuất khẩu đất hiếm.

Nói một cách công bằng, Mỹ sẽ là đối tượng chính một khi Trung Quốc thực thi hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Nhưng EU không vì thế mà lấy làm vui mừng, bởi Bắc Kinh khi đó sẽ sử dụng đất hiếm như là một vũ khí trong quan hệ ngoại giao. Trung Quốc hồi năm 2010 đã từng cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản trong vòng một tháng, sau khi Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng người Trung Quốc.

Vấn đề càng trở nên gai góc khi EU gần như không có giải pháp thay thế đối với đất hiếm. Trên khía cạnh này, nỗ lực về tái chế đất hiếm của EU có thể là hướng đi hứa hẹn. Nhưng tái chế không đồng nghĩa với việc bảo đảm sản xuất nội địa, mà chỉ là cách bỏ qua giai đoạn chế biến đất hiếm từ quặng – thứ mà Trung Quốc áp đảo. Khả năng chế biến của Trung Quốc áp đảo đến mức, quặng đất hiếm có thể được khai thác ở bất kỳ đầu trên thế giới, nhưng lại đổ về Trung Quốc, nơi có các cơ sở chế biến quy mô, bảo đảm hiệu suất kinh tế hợp lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại