Khởi đầu kỳ vọng, kết thúc thất vọng của Ukraine
22 tháng kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga đã kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine và trong năm vừa qua, khoảng 1.000 km tiền tuyến hầu như không có sự dịch chuyển,
Giới quan sát phương Tây cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chơi trò "câu giờ" khi đặt cược rằng sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine sẽ dần suy giảm do những chia rẽ chính trị trong nước và sự mệt mỏi vì cuộc xung đột kéo dài, cũng như ảnh hưởng từ các điểm nóng khác trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông.
Tình hình chính trị quốc tế có thể mang lại lợi thế lớn cho Tổng thống Putin sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm tới. Mỹ vốn là nguồn cung quân sự lớn nhất cho Ukraine, nhưng hiện tại, một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã công khai tuyên bố sẽ hạn chế sự hỗ trợ cho cuộc xung đột này.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 11 vừa qua, gần một nửa công chúng Mỹ được hỏi tin rằng, Washington đang dành quá nhiều tiền cho Ukraine.
"Tình hình chính trị ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều đang thay đổi. Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương vẫn vững chắc nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ kéo dài mãi", Charles Kupchan, học giả cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại ở Washington nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng, lập trường đang dần thay đổi này có thể mang lại lợi thế cho Nga giữa bối cảnh Moscow đang tìm cách buộc Kiev phải chấp nhận một thỏa thuận bất lợi để chấm dứt xung đột.
"Đây là một năm thuận lợi nếu không muốn nói là một năm tuyệt vời cho Tổng thống Putin", Mathieu Boulegue, học giả về chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House ở London đánh giá.
Các lệnh trừng phạt phương Tây mặc dù có tác động nhất định nhưng không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Các lực lượng của Moscow vẫn chi phối chiến trường khi hệ thống phòng thủ kiên cố của nước này, với những bãi mìn kéo dài tới 20km đã cản bước tiến công của Kiev trong nhiều tháng.
Cuộc phản công của Ukraine được tiến hành trước khi các lực lượng hoàn toàn sẵn sàng. Chiến dịch này thậm chí bị cho là một nỗ lực chính trị vội vàng nhằm thể hiện rằng sự hỗ trợ của phương Tây có thể thay đổi diễn biến xung đột, chuyên gia Marina Miron thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của Cao đẳng Hoàng gia London đánh giá.
Theo bà: "Những kỳ vọng vào cuộc phản công thật thiếu thực tế. Nó đã biến thành một thất bại".
Tình thế của Nga và Ukraine
Nga đã giành được thắng lợi mà nước này muốn vào tháng 5 trong một cuộc giao tranh dài và đẫm máu nhất để kiểm soát Bakhmut.
Trong khi đó, theo Mỹ, cho đến nay, Ukraine đã giành lại được một nửa lãnh thổ mà Nga kiểm soát trong chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022 nhưng Kiev khó có thể giành thêm chiến thắng.
Cuộc phản công lớn của Ukraine đã không giúp nước này hoàn thành những tham vọng của mình mặc dù các nước phương Tây đã huấn luyện và hỗ trợ nhiều vũ khí hiện đại.
Nga vẫn quyết tâm ngăn Ukraine tiến công qua các phòng tuyến của nước này. Trong khi đó, Kiev đã cho thấy khả năng tấn công vào phía sau phòng tuyến đối phương bằng UAV tầm xa. Ukraine cũng tấn công tên lửa và UAV nhằm vào một cây cầu quan trọng của Nga nối với bán đảo Crimea, các kho nhiên liệu và sân bay của Moscow cũng như trụ sở của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol.
Trong khi Nga chịu tổn thất nhất định về lực lượng và trang thiết bị thì nước này đã có những giải pháp để hạn chế các bước lùi trên. Moscow đã tăng ngân sách quốc phòng thêm khoảng 25%, giai đoạn từ năm 2024 - 2026, đồng thời tăng số lượng binh lính thêm 170.000 người, nâng tổng số lên 1,3 triệu quân.
Với Ukraine, thách thức hiện nay là tập hợp nguồn lực cho một chiến dịch tấn công mới. Quân đội nước này cho dù vẫn còn ý chí chiến đấu nhưng đều đã kiệt sức sau nhiều tháng giao tranh liên tục. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky liên tục vận động các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ. Ông đã tới Washington 3 lần trong 2 năm qua.
Giữa bối cảnh đó, Tổng thống Biden muốn Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ bổ sung trị giá 50 tỷ USD cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng đề xuất này đã rơi vào bế tắc trong một Thượng viện chia rẽ sâu sắc.
Tổng thống Zelensky đã đạt được một thắng lợi ngoại giao vào cuối năm nay khi EU thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc cho phép Ukraine gia nhập liên minh. Tuy nhiên, ngay cả vậy, quá trình này có thể sẽ mất nhiều năm chứ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, việc gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine của EU bị phủ quyết cũng càng khiến Kiev thêm thất vọng.