Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mới đây cho biết, Lực lượng vũ trang Ukraine có thể sử dụng vũ khí do nước này viện trợ bên ngoài lãnh thổ.
Trong tháng này, chính phủ Đan Mạch đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không và đặc biệt là máy bay chiến đấu F-16.
Bà Frederiksen sau đó giải thích rằng Ukraine có thể sử dụng số vũ khí được chuyển giao, kể cả bên ngoài biên giới nước này, nếu điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường này của Đan Mạch cho thấy tình hình đang trên bờ vực xung đột vũ trang toàn diện giữa Nga và phương Tây.
Trước cuộc họp bàn thảo về các vấn đề quốc phòng Ukraine ở Prague, Thủ tướng Mette Frederiksen đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine.
Chính trị gia này hoan nghênh quyết định của Đức cung cấp hệ thống Patriot và kêu gọi các nước khác làm theo. Theo quan điểm của bà Frederiksen, châu Âu nên cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa hơn để tăng cường khả năng phòng thủ.
Tiêm kích F-16 của Ukraine mà Đan Mạch dự định chuyển giao vào mùa hè năm 2024 sẽ trở thành một mối đe dọa khá nghiêm trọng đối với Nga, đặc biệt nếu xét đến thực tế cùng với máy bay chiến đấu, vũ khí tầm xa cũng sẽ được cung cấp.
Theo thông báo, 8 phi công Ukraine bắt đầu được huấn luyện ở Đan Mạch từ tháng 8 năm 2023 tại căn cứ không quân Skrydstrup - nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Không quân Đan Mạch. Ngoài phi công, 65 chuyên gia khác cũng được đào tạo về bảo dưỡng và sửa chữa.
Đan Mạch đã cam kết chuyển giao 19 tiêm kích F-16 cho Ukraine, chúng đã được hiện đại hóa theo chương trình nâng cấp giữa vòng đời (MLU) vào những năm 2000.
Máy bay này đã trải qua một cuộc đại tu lớn và nhận thiết bị hiện đại, bao gồm cả radar AN/APG-66(V)2. Việc hiện đại hóa khiến chúng trở nên hiệu quả hơn trong điều kiện chiến đấu, điều này càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Quyết định của Đan Mạch cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được chuyển giao bên ngoài biên giới nước này đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên trường quốc tế.
Một số đồng minh ủng hộ sáng kiến trên vì tin rằng sẽ giúp Ukraine chống lại Nga hiệu quả hơn. Tuy nhiên nhiều quốc gia khác bày tỏ lo ngại về khả năng leo thang xung đột và làm xấu đi mối quan hệ với Moskva.
Trong khi đó Nga cực lực lên án bước đi trên của Đan Mạch, coi hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế và can thiệp vào cuộc xung đột.
Moskva lập luận rằng việc cung cấp vũ khí và cho phép tấn công lãnh thổ Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của nước này và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.