Vĩnh Phúc và chiến lược phát triển trở thành thành phố phát triển toàn diện
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy huyết mạch kết nối liên vùng và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh; là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng, "cửa ngõ" phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội.
Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sự đa dạng về tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc liên kết không gian phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ với Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong vùng.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng từ 10,5 -11,0%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo định hướng phát triển, trong những năm tới, Vĩnh Phúc thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phải hướng đến chuyển đổi năng lượng xanh, lựa chọn công nghệ xanh.
"Sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư không phải là đất đai, nhân công giá rẻ, mà là hạ tầng xanh, kết nối thông minh, năng lượng sạch, môi trường… Đây là những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, khi vấn đề phát thải khí nhà kính, môi trường sẽ là "dấu chân" trong các sản phẩm hàng hoá", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vươn lên mạnh mẽ từ một tỉnh nghèo, thuần nông
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, hiện, tỉnh trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động).
Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997 là 1,96 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Năm 2023, kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 158 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 14 trên cả nước. Thu ngân sách đạt trên 40 nghìn tỷ. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng ở vị trí thứ 9 cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo còn 1,7%.
Bình quân hàng năm tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động, mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng.
Chỉ số chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao của cả nước, chỉ số PAR INDEX trong tốp 10; chỉ số PAPI nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cùng với đó, hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% các tuyến đường quốc lộ được nhựa hóa; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cứng hóa đạt 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 95% tuyến giao thông nông thôn và 65% giao thông nội đồng.