Tình người trong gian khó

Liên Nhi |

1. Tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" là một thuộc tính, một phẩm chất quý báu của dân tộc ta. Tinh thần ấy càng tỏa sáng trước những khó khăn to lớn và phức tạp, lâu dài.

Khi dịch Covid-19 mới xâm nhập vào Việt Nam, đã có hàng nghìn người khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, từ thành thị đến nông thôn, già - trẻ - trai - gái, giàu - nghèo… đã không ngại ngần bỏ tiền túi mua khẩu trang, nước rửa tay sát trùng… phát miễn phí, với tâm niệm góp một phần nhỏ bé của mình vào việc phòng, chống dịch bệnh. 

Hồi đầu tháng 2, một học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh, tên Andy Đào Nguyên đã đưa toàn bộ số tiền lì xì 10 triệu đồng nhờ mẹ mua khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường. “Ngọn lửa” ấm áp, nghĩa tình đó đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, là một tấm gương để cả người lớn và con trẻ suy ngẫm, học hỏi.

Khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, tiếp tục có hàng loạt những câu chuyện về tình người ấm áp càng gây thêm xúc động mạnh.

Sự vất vả, nguy hiểm không ngăn cản được tinh thần “Lương y như từ mẫu”. Tại các cơ sở y tế khắp cả nước, các y, bác sĩ đã nhiều ngày đêm xa gia đình bám bệnh viện xa, một lòng yêu thương, chăm sóc bệnh nhân.  

Cũng vừa vì trách nhiệm nghề nghiệp đồng thời vì tình người, vì tình thương với học sinh, hàng vạn cô giáo mầm non, tiểu học ở Thủ đô gác lo toan cuộc sống gia đình khó khăn do thu nhập giảm để thu xếp thời gian đến trường, đến lớp vệ sinh, lau dọn, tham gia khử trùng 5 đợt. Đúng với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Một câu chuyện cảm động khác: Ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội có hai thành viên nằm trong diện cách ly y tế đúng vào vụ cấy lúa xuân. Trước tình hình này, Hội Phụ nữ xã đã phân công các chị em thay nhau cấy, chăm sóc lúa, rau màu giúp để họ yên tâm cách ly, chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng thấm đẫm tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng” để hướng về cội nguồn, chung tay phòng, chống dịch Covid-19. 

Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người tuy nhọc nhằn, gian khó nhưng Hội Người Việt ở Ba Lan, Cộng hòa Czech, hỗ trợ vật chất, chia sẻ tinh thần với người dân vùng dịch Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

2. Đêm 6-3 và sáng 7-3, khi có ca nhiễm Covid-19 thứ 17, cũng là ca bệnh đầu tiên của Hà Nội, một số người vì thiếu hiểu biết cộng với tâm lý lo lắng thái quá khi nghe theo những lời đồn đoán đã đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa; thậm chí tính cách di chuyển cả nhà tới nơi khác vì sợ bị lây nhiễm. 

Tuy nhiên, số đông người dân Thủ đô vẫn bình tĩnh và hành động một cách thông minh, sáng suốt, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Có người đã đưa lên trang Facebook cá nhân, “vạch trần” 10 thông tin sai lệch, bịa đặt liên quan tới trường hợp mới bị nhiễm Covid-19. 

Rất nhiều người bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực phòng, chống dịch Covid-19 của hệ thống y tế, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo thành phố trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho người dân. 

Có người thẳng thắn bày tỏ quan điểm “Xin mọi người hãy nghĩ thấu đáo và bình tĩnh! Xin đừng tích trữ hàng hóa! Hạn chế tới nơi đông người, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay, rửa tay và rửa tay!”…

Chính việc kêu gọi nhau, chung tay ứng xử, hành động thông minh và trách nhiệm: Không run sợ, không quá lo lắng nhưng không chủ quan; bình tĩnh làm chủ thông tin, bình tĩnh tìm hiểu về bệnh dịch và chủ động các biện pháp phòng tránh; 

không chia sẻ những thông tin đồn đoán bịa đặt, sai sự thật… của số đông người dân Thủ đô là “liều thuốc” hiệu quả cho những ai bị cảm xúc lấn át lý trí trong lúc khó khăn. Đó cũng là những hành động sẻ chia trách nhiệm; tương thân, tương ái; có trách nhiệm với bản thân và xã hội; chung tay nỗ lực cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

3. Có thể nói, trong hoàn cảnh dịch bệnh nói riêng và trong khó khăn nói chung, đã có vô vàn nghĩa cử cao đẹp, những câu chuyện cảm động, những tấm gương người tốt việc tốt sưởi ấm lòng người, những hành động thông minh "dẫn dắt" đám đông đang hoang mang, giúp chúng ta vững tin vào lòng tốt, sự lạc quan trong cuộc sống.

Biết được những câu chuyện đó, tấm gương đó, hành động đó, nếu có ai đó đôi lúc ngã lòng chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ, phấn đấu vươn lên vì một lẽ đơn giản: Ta không cô đơn, xung quanh ta có rất nhiều người tốt, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo; ta không thể buông xuôi vì như vậy là phụ tấm lòng tốt của mọi người; ta phải học tập để tự lựa chọn cho mình một quyết định, một giải pháp phù hợp…

Và một điều quan trọng hơn nữa. Đó là, nếu tất cả chúng ta lấy gương người tốt - việc tốt, lấy tình người, sự bình tĩnh, sáng suốt trong gian khó để giáo dục lẫn nhau, cùng nhau noi gương, làm lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng thì đó là một trong những cách tốt nhất để xây dựng con người và cuộc sống mới, tươi vui hơn, hạnh phúc hơn.

Tình người trong gian khó - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại