Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thu ngân sách là một trong những điểm sáng trên bức tranh kinh tế của Thanh Hóa năm 2023. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất năm 2023, Thanh Hóa đứng thứ 8 sau các đầu tàu kinh tế là TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Bắc Ninh. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 14,625 tỷ USD.
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Thanh Hóa còn đứng thứ 19 trong số các tỉnh, thành phố có vốn FDI đăng ký. Thế nhưng chỉ với 2 tháng còn lại, Thanh Hóa đã bứt lên, vượt nhiều địa phương để chen chân vào tốp dẫn đầu.
Ngoài ra, năm nay, Thanh Hóa cũng là tỉnh có khoản thu tăng mạnh so với trước đây, đứng thứ 7 cả nước về thu ngân sách, vượt dự toán 16,6%, với số thu đạt 41.200 tỷ đồng. Trong thành quả này, các doanh nghiệp (DN) lớn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các khu công nghiệp (KCN) đóng góp tới 22.922 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Đây cũng là tỉnh miền Trung duy nhất góp mặt trong top 10 cả nước về thu hút FDI và thu ngân sách năm 2023.
Ngoài 2 chỉ tiêu kinh tế trên, năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa cũng đứng thứ 3 cả nước (một tỉnh miền Trung khác cũng góp mặt trong top 10 về tăng trưởng GRDP năm 2023 là Nghệ An). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 7,01% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 73 triệu đồng, tương đương 3.067 USD.
Các chỉ tiêu kinh tế khác chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ như: Chỉ số sán xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,79% so với năm 2022; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng tới 15,46%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí tăng 53,08%...
Thanh Hóa có hơn 3,73 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau Thủ đô Hà Nội và TP HCM. Dân số tăng 17.400 người so với năm 2022, tốc độ tăng dân số đạt 0,47%. Dân số trong độ tuổi lao động 2,5 triệu người, có trình độ văn hóa, chuyên môn cao phù hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề: chế biến, cơ khí, chế tạo, điện, điện tử,...
Đáng chú ý, năm 2023, Thanh Hóa giải quyết việc làm cho hơn 62.000 lao động, vượt 6,9% so với kế hoạch. Trong đó, có khoảng 14.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gấp 2,8 lần so với kế hoạch.
Theo định hướng tương lai, Quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, sẽ phấn đấu đưa tỉnh này trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. 4 trung tâm kinh tế động lực là Thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn - Thạch Thành; Lam Sơn - Sao Vàng.