Kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ ưu tiên phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo kế hoạch này, Bộ Giao thông vận tải sẽ nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không hiện có trong vùng.
Bình Thuận sẽ có cảng hàng không Phan Thiết. Trong ảnh, một góc TP Phan Thiết.
Đáng chú ý, Cảng hàng không Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ được xây mới. Cùng đó còn có Cảng hàng không Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) cũng được xây mới.
Trước đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có đề cập đến hai sân bay này. Theo đó, sân bay Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận sẽ là sân bay nội địa cùng với 18 sân bay nội địa khác.
Sân bay Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục đích quân sự và hàng không dân dụng được xây dựng vào tháng 1/2015 tại địa bàn xã Thiện Nghiệp (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Hồi năm 2017, Thủ tướng nâng cấp từ sân bay này từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm với tổng vốn đầu tư tăng từ 1.694 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng.
Sân bay Phan Thiết được xem là dự án quan trọng của tỉnh Bình Thuận, khi hoàn thành sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về kinh tế du lịch, nhất là nhóm du lịch biển đảo.
Kinh tế Bình Thuận được kỳ vọng cất cánh nhờ hạ tầng giao thông
Cùng với tuyến cao tốc nối TP HCM với Phan Thiết, kinh tế Bình Thuận được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo trang thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, nơi này có địa hình chia làm 3 vùng: rừng núi, đồng bằng, ven biển; tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác tiềm năng du lịch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay (từ 29/4 đến 3/5), du lịch Bình Thuận ước đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân khoảng 70 - 90%, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng.
Trong báo cáo số liệu tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Thuận nằm trong các tỉnh có tốc độ cao so với cả nước, tăng 9,86%.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Bình Thuận, trong quý 1/2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh chịu tác động thách thức chung của nền kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp quý 1 ước đạt 10.410 tỷ đồng, đạt 25,16% kế hoạch tăng 7,02% so với cùng kỳ.
Số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận cũng cho thấy, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I/2023 phải kể đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại của ngành du lịch - dịch vụ (doanh thu du lịch quý I/2023 đạt 5.367,3 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khá cao (tăng 8,25%), mức tăng này đã góp phần lớn cho mức tăng chung toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ấn tượng đã đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Cụ thể, trong quý 1/2023, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.692,2 tỷ đồng, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.