Ngày 17/1, tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quy hoạch tỉnh Gia Lai phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Quy hoạch cũng đồng bộ với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Bộ Chính trị.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Gia Lai sẽ trở thành "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt, độc đáo và là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Ông Trương Hải Long, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết tỉnh đang định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Đồng thời, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa, trọng tâm là con người.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế. Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.
Tỉnh Gia Lai cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, đặc biệt là những ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp. Đồng thời, tập trung vào phát triển dịch vụ logistics và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đặt trọng điểm vào việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo và khám phá kinh tế rừng kết hợp với việc khôi phục hệ sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học, cũng như tạo ra các cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng.
"Tỉnh nên xây dựng đô thị đại ngàn, đô thị đáng sống"
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Gia Lai còn có nhiều lợi thế, dư địa về phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế rừng và du lịch sinh thái… Do đó, tỉnh cần tạo ra những đột phá về cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Thành phố Pleiku và phụ cận sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch của tỉnh và vùng. Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Cảng hàng không Pleiku sẽ là hai cửa ngõ kết nối Gia Lai với các địa phương trong và ngoài nước. Ba hành lang kinh tế ứng với các tuyến đường: đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, là động lực phát triển các ngành nghề, tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có giá trị gia tăng cao.
"Gia Lai nên xây dựng đô thị của riêng mình theo hướng một đô thị đại ngàn, đô thị đáng sống. Bởi, Gia Lai đang sở hữu một cảnh quan đẹp, khí hậu ôn hòa. Chính vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, phát triển đô thị xanh, thông minh. Đặc biệt, tỉnh cần chuẩn bị để phát triển du lịch gắn với lâm nghiệp", báo Thanh Niên dẫn lời Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý.
Liên quan đến các lĩnh vực phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Gia Lai có tiềm năng về tài nguyên nước, thủy điện, năng lượng tái tạo… nên cần phải được nhấn mạnh trong định hướng phát triển.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dược liệu gắn với chế biến nhờ đất đai màu mỡ, bằng phẳng. Ngoài ra, Gia Lai có diện tích rừng rất lớn với độ che phủ cao rất phù hợp để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái, kinh tế trung hòa các-bon…
Tỉnh Gia Lai nằm ở phía Đông Nam của Tây Nguyên là tỉnh có diện tích lớn thứ hai trong cả nước, với 15.510,13 km², chỉ sau Nghệ An với khoảng 16.486,5 km2. Đây cũng là tỉnh đứng thứ nhất về diện tích và đứng thứ hai về dân số trong vùng Tây Nguyên.
Điều đặc biệt ở Gia Lai là nơi đây có nhiều ưu ái của thiên nhiên về tài nguyên đất, khoáng sản và tài nguyên rừng. Theo thông tin từ tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có đến 27 loại đất được hình thành trên nhiều loại đá mẹ. Ngày nay nguồn tài nguyên này đặc biệt được chú trọng khai thác và đưa vào sản xuất nông – lâm nghiệp với quy mô lớn, hình thành những vùng chuyên canh.
Tài nguyên khoáng sản là một tiềm năng kinh tế quan trọng của tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Liên đoàn địa chất 6, tỉnh Gia Lai có nhiều khoáng sản, nổi bật nhất là vàng, nguồn vật liệu xây dựng, bôxit và đá quý.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát hiện 73 điểm có vàng, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa La, La Grai.