Tình hình thu hút FDI của Hà Nội, Hải Phòng… và các thành phố trực thuộc TW khác thay đổi ra sao trong 11 tháng năm 2022?

Giang Anh |

Trong 5 thành phố trực thuộc TW, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều FDI nhất trong 11 tháng đầu năm 2022.

Hà Nội

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 11/2022, thành phố Hà Nội có 42 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 20,7 triệu USD; 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 217,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 26 lượt, đạt 20,4 triệu USD.

Tính chung 11 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1,54 tỷ USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 7 trong tổng số 54 tỉnh, thành được đầu tư. Trong đó, số lượng dự án đăng ký cấp mới là 328 dự án với số vốn đạt 206 triệu USD; 181 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 791 triệu USD; 356 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 543 triệu USD.

TP.HCM

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, lũy kế từ đầu năm đến 11/2022, toàn thành phố có 807 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký đạt 477 triệu USD; có 2.219 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 1,5 tỷ USD; 164 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 1,5 tỷ USD.

Tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Hải Phòng

Lũy kế từ đầu năm đến 15/11/2022, toàn thành phố có 80 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt 1.037,78 triệu USD. Trong đó cấp mới trong khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đạt 920,89 triệu USD, (chiếm 88,74%); cấp mới ngoài KCN, KKT đạt 116,89 triệu USD (chiếm 11,26%).

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 36 dự án, với số vốn tăng là 881,52 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính từ nửa cuối tháng 10 đến 15/11/2022 có 15 dự án cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn. Đối với dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký của hoạt động đầu tư đối với các dự án không lớn.

Đối với dự án điều chỉnh tăng vốn, đáng kể nhất là dự án Pegatron Việt Nam (Nhà đầu tư Đài Loan) với số vốn điều chỉnh tăng 300 triệu USD và dự án của Cty TNHH Agape Việt Nam (Nhà đầu tư Singapore) với số vốn điều chỉnh tăng là 126,95 triệu USD.

Cũng từ đầu năm đến 15/11/2022, có 20 dự án chấm dứt hoạt động (15 dự án ngoài KCN, 5 dự án trong KCN); 2 dự án chuyển thành 100% trong nước và 01 dự án tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2022.

Đà Nẵng

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ 16/10 đến 15/11/2022, Đà Nẵng có 3 dự án FDI được cấp mới với số vốn đăng ký 0,54 triệu USD; 5 dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm 1,46 triệu USD và 1 lượt góp vốn mua cổ phần với vốn góp gần 0,047 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/11/2022, toàn thành phố có 42 dự án FDI cấp mới chứng nhận (tăng 8 dự án so cùng kỳ năm 2021) với số vốn đăng ký đạt 69,35 triệu USD, bằng 46,4% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 43 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 57,75 triệu USD; 33 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 5,69 triệu USD. Tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 132,8 triệu USD, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cần Thơ

Trong tháng 11, thành phố cấp mới 1 dự án, vốn đầu tư 0,01 triệu USD. Lũy kế 11 tháng/2022, tổng vốn đăng ký FDI đầu tư vào Cần Thơ đạt 183,86 triệu USD, xếp thứ 21 trên tổng số 54 tỉnh, thành nhận đầu tư.

Trong đó, thành phố cấp mới 5 dự án FDI, vốn đăng ký 174,08 triệu USD; chấm dứt hoạt động 5 dự án với tổng vốn đăng ký 5,41 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.223,11 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại