Lực lượng quân sự Mỹ tại sân bay Rzeszow - Jasionka ở Ba Lan hôm 9-2 Ảnh: REUTERS
Ngoài một số ít trụ lại, phần lớn trong số 200 nhân viên tại đó sẽ được đưa đến một địa điểm gần biên giới Ukraine - Ba Lan hoặc ra khỏi nước này.
Quyết định trên được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden leo thang cảnh báo về nguy cơ Nga sắp tấn công Ukraine ngay cả khi các nỗ lực ngoại giao khẩn cấp vẫn tiếp diễn.
Hôm 11-2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan công khai kêu gọi mọi công dân Mỹ rời Ukraine càng sớm càng tốt sau khi nhấn mạnh Nga có thể tấn công "bất kỳ lúc nào". Theo ông Sullivan, Nga có thể khởi đầu bằng các cuộc không kích, tấn công tên lửa và theo sau là tấn công trên bộ.
Theo trang Bloomberg, quan chức này nói thêm Nga có thể có hành động sớm nhất là vào tuần tới, trước khi Olympic mùa đông tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc bế mạc.
Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên tiết lộ với AP rằng tình báo Mỹ nắm được thông tin Nga đang xem xét ngày 16-2 là ngày bắt đầu tấn công.
Theo sau cảnh báo trên, Úc và New Zealand hôm 12-2 thúc giục công dân mình rời Ukraine ngay lập tức. Một số nước khác như Nhật Bản, Anh, Latvia, Na Uy, Hà Lan... có động thái tương tự.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích Nhà Trắng song theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), Moscow hôm 12-2 cũng bắt đầu rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine.
Trên mặt trận quân sự, Mỹ hôm 11-2 thông báo triển khai thêm 3.000 binh sĩ đến Ba Lan để gia nhập 1.700 quân đã có mặt ở đó. Ngoài ra, khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đóng tại Đức đang được chuyển đến Romania.
Tổng thống Biden cho đến giờ khẳng định quân đội Mỹ sẽ không tham chiến ở Ukraine nhưng cam kết sẽ cùng các đồng minh quốc tế áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhằm vào Moscow.
Tuy nhiên, theo Reuters, Nhà Trắng đang thúc giục ngành công nghiệp chip đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đề phòng trường hợp Nga trả đũa bằng cách ngăn chặn Mỹ tiếp cận các nguyên vật liệu chủ chốt để sản xuất chip.