Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương và Bình Dương.
Thừa Thiên Huế
Theo báo cáo Cục Thống kê, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,03% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 27/63 tỉnh thành, thấp hơn mức tăng 8,56% năm 2022 . Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, đây vẫn là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 72.866 tỷ đồng. Sở hữu những cung điện vàng son, lăng tẩm uy nghiêm, những địa điểm mạng màu lịch sử, cơ cấu nền kinh tế Thừa Thiên Huế chiếm tỷ trọng lớn nhất ở khu vực dịch vụ (48,8%), đây cũng là khu vực tăng trưởng mạnh nhất (8,64%) khi ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, với tổng lượng khách cả năm ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách.
Nửa đầu năm 2024, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung.
Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh) ước đạt 19.599 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ, xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 cả nước. Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) đạt 37.935 tỷ đồng. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế, tăng 6,95% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,22%, chiếm 30,1%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,99%, chiếm tỷ trọng 11,2%.
Khánh Hoà
GRDP tỉnh Khánh Hoà năm 2023 ước trên 60.158 tỷ đồng, tăng 10,35% so năm 2022, vượt 8,7% kế hoạch đề ra. Khánh Hòa xếp thứ 4 của cả nước về tốc độ tăng GRDP và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Với cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11%; công nghiệp và xây dựng chiếm 32,23%; dịch vụ chiếm 47,56%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,21%.
Theo Cục Thống kê tỉnh, ngành du lịch tiếp tục đóng vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể, doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt 31.778 tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với năm 2022.
6 tháng đầu năm 2024, Khánh Hoà đứng thứ 2 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung về tăng trưởng GRDP, ước tăng 12,7%. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 28,84% so với cùng kỳ cao nhất, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Du lịch tỉnh Khánh Hoà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, năm 2024 được tỉnh chọn là "Năm quản trị - điều hành", cũng là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII.
Bắc Ninh
Phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh chiếm tỷ trọng lớn ở khu vực công nghiệp – xây dựng, năm 2023 chiếm 72,18%. Ngoài ra, khu vực dịch vụ chiếm 20,68%; khu vực nông lâm thủy sản chiếm 2,88%. Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 220.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 145,1 triệu đồng/người.
Năm 2023, trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Bắc Ninh ghi nhận mức giảm GRDP nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là tỉnh có mức giảm sâu nhất cả nước (giảm 9,28%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm đến 13,24%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 2,31%; khu vực dịch vụ tăng trưởng dương nhưng không cao.
Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế Bắc Ninh bước đầu phục hồi tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trưởng 2,32%, đứng thứ 60 cả nước , trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,35%; khu vực dịch vụ tăng 5,62%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương 5,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên biển, tỉnh không chỉ có cảng biển nước sâu mà còn có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước - do đó, kinh tế công nghiệp là nền kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, do sản lượng khai thác dầu khí giảm mạnh, GRDP cả dầu khí ước năm 2023 (theo giá so sánh) giảm 1,02% so với cùng kỳ, chỉ đứng trước Quảng Nam (giảm 8,25%) và Bắc Ninh (giảm 9,28%). Trong đó, công nghiệp khai thác dầu thô và khí đốt chiếm 41,7% toàn bộ nền kinh tế; công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20,12%.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 của tỉnh là 366.456 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 308,7 triệu đồng/người/năm, giảm 5,47% so năm 2022. Nguyên nhân suy giảm vẫn chủ yếu từ sự sụt giảm của sản phẩm dầu thô khai thác và khí đốt trên thị trường quốc tế.
Sáu tháng 2024, lĩnh vực dầu khí tiếp tục khó khăn, giảm 14,37% khiến GRDP Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tăng trưởng âm, giảm 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái, là địa phương duy nhất ghi nhận giảm .
Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích: Tính cả Dầu khí thì Bà Rịa – Vũng Tàu bị âm, nhưng trừ Dầu khí thì đứng thứ 8 trong cả nước. Cả nước chỉ có Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến Dầu khí, cho nên nếu trừ Dầu khí thì chúng ta đứng sau một số tỉnh thành như: Bắc Ninh, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Hà Nam, Hải Phòng, Trà Vinh và Hải Dương. Tuy Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 8 nhưng quy mô kinh tế thì địa phương đứng top 5 trong cả nước.
Quảng Ninh
Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2023 quy mô kinh tế Quảng Ninh đạt trên 315.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020, Xét trên cơ cấu, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 51,9%; dịch vụ chiếm 30,7%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,7%. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với con số hơn 3 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 đạt 11,03%, gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Tỉnh Quảng Ninh sức hút lớn từ hạ tầng giao thông, sân bay, bến cảng và tài nguyên phát triển du lịch, nổi bật là vịnh Hà Long.
Sáu tháng đầu năm, GRDP Quảng Ninh tăng 9,02%, đứng thứ 8/63 tỉnh thành. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,68%; khu vực dịch vụ tăng 13,85%. Quy mô GRDP ước đạt 161,6 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI 6 tháng đầu năm đạt trên 1,5 tỷ USD, bằng 56,1% kế hoạch năm.
Ninh Bình
Quy mô GRDP năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt trên 88.947 tỷ đồng. Xét trên cơ cấu, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt chiếm 8,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 35,88%; khu vực dịch vụ chiếm 39,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 15,9%.
Năm 2023, GRDP trên địa bàn toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng 7,27 % so với năm 2022, đứng thứ 23 cả nước. Theo Cục thống kê, cơ cấu kinh tế Ninh Bình tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Khu vực dịch vụ dần trở thành thế mạnh của tỉnh khi ngành du lịch được quan tâm đầu tư phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
GRDP trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 26.838,9 tỷ đồng, tăng trưởng 8,19% so với 6 tháng đầu năm 2023, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng mạnh nhất (10,45%), đóng góp 3,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn tỉnh; khu vực dịch vụ tăng trưởng 9,43%, đóng góp 3,63 điểm phần trăm.
Hài Dương
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương năm 2023 ước đạt 8,16%; cao thứ 13/63 cả nước và thứ 6/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng. Đáng chú ý, theo Cục Thống kê, tăng trưởng của tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong quý IV/2023 (tăng 10,88%; đóng góp 2,94 điểm % vào tăng trưởng của năm) nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và quyết tâm giải ngân, thu hút đầu tư của chính quyền các cấp.
Quy mô GRDP của Tỉnh ước đạt 184.123 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước (đứng sau Nghệ An và đứng trước Bắc Giang). Cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng giảm ở khu vực 1, tăng ở khu vực 2, tuy nhiên, tỷ trọng khu vực 3 vẫn có xu hướng giảm cho thấy nền kinh tế trong Tỉnh vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, kinh tế dịch vụ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong các năm tiếp theo.
Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP tỉnh Hải Dương ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 7 cả nước, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng. Điểm nổi bật về tăng trưởng của Hải Dương trong nửa đầu năm 2024 là khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản, khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ đều ghi nhận mức tăng.
Theo Cục Thống kê tỉnh, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng cao nhất, ước tăng 13,71%. Riêng khu vực công nghiệp tăng 14,3%, do các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá đồng đều, với 34/36 ngành công nghiệp đều tăng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,52% do chăn nuôi và nuôi thuỷ sản tăng ổn định; năng suất vụ đông và lúa chiêm xuân đều tăng so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ ước tăng 6,9% chủ yếu do tiêu dùng dân cư vẫn tăng ổn định; vận tải, dịch vụ hỗ trợ sản xuất tăng khá; tác động tích cực từ việc tăng lương cơ sở của công chức, viên chức giữa năm 2023 ở các ngành quản lý Nhà nước, y tế, giáo dục.
Bình Dương
GRDP Bình Dương năm 2023 ước tăng 5,97% so với cùng kỳ, đứng thứ 37 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng, tăng so với 166 triệu đồng của năm 2022. Cơ cấu kinh tế tỉnh Bình Dương chiếm tỷ trọng cao tại khu vực công nghiệp (chiếm 66,26%); khu vực dịch vụ chiếm 23,71%; khu vực nông nghiệp chiếm 2,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,39%.
Được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp”, ngành chế biến, chế tạo của Bình Dương tiếp tục giữ vai trò chủ lực của ngành công nghiệp và đóng góp chính vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2023, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước chỉ tăng 5,95%...
Sáu tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, tỉnh Bình Dương vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, GRDP ước tăng 6,2% so với cùng kỳ, đứng thứ 34 cả nước với khu vực công nghiệp & xây dựng chiếm tỷ trọng cao (64,57%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ và nhập khẩu 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ.