Tình hình dịch COVID-19 hết ngày 8/4 tại ASEAN: Thái Lan phong tỏa thành phố Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục

Thùy Dương |

Tính tới hết ngày 8/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 15.478 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.019 ca tử vong. Nhiều nước có số ca nhiễm mới tăng cao.

Thái Lan phong tỏa thành phố du lịch Pattaya

Tình hình dịch COVID-19 hết ngày 8/4 tại ASEAN: Thái Lan phong tỏa thành phố Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục - Ảnh 1.

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Narathiwat, Thái Lan ngày 8/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, chính quyền Thái Lan thông báo Pattaya - thành phố du lịch ven biển miền Đông nước này - sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, qua đó đóng cửa đối với toàn bộ du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh trưởng tỉnh Chonburi, Phakharathorn Thianchai đã xác nhận việc cấm toàn bộ du khách vào Pattaya theo lệnh phong tỏa, có hiệu lực từ ngày 9/4 đến hết tháng này, cùng với lệnh giới nghiêm vừa có hiệu lực trên toàn Thái Lan từ 22h tối đến 4h sáng các ngày. Chỉ những ai được xác minh có nhà hay đang làm thuê ở Pattaya được phép đi vào thành phố này. Một số chốt kiểm soát đã được thiết lập để kiểm tra việc người dân đi vào các khu vực trong thành phố.

Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang mở chiến dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà dành cho những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tính đến ngày 8/4 đã ghi nhận tới 2.369 ca mắc bệnh.

Cho tới nay, với 1.233 ca, Bangkok là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất ở Thái Lan. Thống đốc Bangkok, ông Aswin Kwanmuang, cho biết các nhóm lưu động tiến hành xét nghiệm tại nhà cho những người đã trả lời các câu hỏi sàng lọc trực tuyến và có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2. Chiến dịch nói trên được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giúp hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Ông cũng kêu gọi người dân thủ đô cố gắng ở nhà tối đa, thường xuyên rửa tay, thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tránh dùng chung các vật dụng cá nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nhu cầu về dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngay trên xe gia tăng tại Thái Lan trong bối cảnh COVID-19 bùng phát. Đây là hình thức lấy mẫu xét nghiệm ngay trên phương tiện di chuyển khi người có nhu cầu xét nghiệm lái xe qua các trạm xét nghiệm.

Indonesia ghi nhận gần 3.000 ca mắc COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 hết ngày 8/4 tại ASEAN: Thái Lan phong tỏa thành phố Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Surabaya. Đông Java, Indonesia ngày 7/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này ngày 8/4 đã ghi nhận thêm 218 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 2.956 người.

Ông Yurianto cũng cho hay Indonesia đã có thêm 19 người tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 240 người, trong khi có 222 bệnh nhân được chữa khỏi.

COVID-19 đã lây lan ra 32 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố ở Indonesia. Trong đó, thủ đô Jakarta tiếp tục là "điểm nóng" với 1.470 ca nhiễm.

Trong bối cảnh đó, Jakarta sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm hạn chế người dân đi lại sau khi được chính quyền trung ương cho phép áp đặt Các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Bắt đầu được triển khai từ ngày 10/4 tới, PSBB cấm người dân thủ đô tụ tập trên 5 người, giảm 50% công suất phục vụ và hạn chế thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng từ 6h đến 18h hàng ngày. Trong khi đó, các phương tiện cá nhân vẫn được phép ra vào khu vực thủ đô song số lượng người trên mỗi xe sẽ bị hạn chế.

Singapore ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 kỷ lục

Tình hình dịch COVID-19 hết ngày 8/4 tại ASEAN: Thái Lan phong tỏa thành phố Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục - Ảnh 3.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 31/3. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 8/4, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, mức tăng hàng ngày lớn nhất, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch nguy hiểm này tại Đảo quốc Sư Tử lên 1.623 ca. Theo thông báo, trong số các ca mắc mới, có 40 ca liên quan tới các khu nhà tập thể dành cho công nhân nước ngoài.

Ngày 8/4, Chính phủ Singapore thông báo các biện pháp mới nhằm đẩy nhanh việc sản xuất thực phẩm trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Singapore hiện chỉ sản xuất đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm trong nước.

Singapore đang lên kế hoạch tăng sản lượng khi mà biến đổi khí hậu và xu hướng tăng dân số đang đe dọa đến nguồn cung thực phẩm trên toàn cầu. Hiện nay, chính sách hạn chế người dân đi lại tại các nước do dịch COVID-19 cũng đang tác động nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp các nước và các chuỗi cung ứng thực phẩm, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực trên diện rộng và giá cả leo thang.

Theo giới chức Singapore, diễn biến dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc sản xuất lương thực, đảm bảo tự chủ nguồn cung trong nước. Đây cũng là một phần trong các chiến lược của Singapore nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc tăng cường sản xuất nội địa sẽ giúp Singapore giảm bớt phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, tạo ra vùng đệm trong trường hợp nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn.

Malaysia tăng thêm 156 bệnh nhân COVID-19

Tình hình dịch COVID-19 hết ngày 8/4 tại ASEAN: Thái Lan phong tỏa thành phố Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục - Ảnh 4.

Kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Pasay, Philippines ngày 27/3 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới hết 8/4, Malaysia có thêm 156 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 4.119 ca, trong đó có 65 ca tử vong.

Do ảnh hưởng của Mệnh lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO) được Chính phủ Malaysia áp đặt nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2, nhiều lao động nước ngoài tại Malaysia đã bị sa thải và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngày 8/4, Tổng Thư ký Đại hội Công đoàn Malaysia (MTUC) J. Solomon cho biết chỉ riêng trong ngày 7/3, MTUC đã ghi nhận 32 lao động nước ngoài bị chủ sa thải, chủ yếu là người Nepal, Bangladesh và Myanmar. Các lao động này đã bị buộc nghỉ việc, hầu hết không được trả lương trong những ngày không đi làm trong thời gian áp dụng MCO. Trong khi đó, theo thông báo của Chính phủ Malaysia, các trường hợp như các lao động trên vẫn được đảm bảo nhận đủ lương dù không đi làm trong thời gian áp dụng MCO. Tuy nhiên, các lao động này cho hay, chủ của họ đã từ chối giải thích lý do họ bị cắt lương.

Theo quan chức MTUC, các lao động nước ngoài bị lâm vào trường hợp như vậy sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn trong những tháng tới khi họ không có thu nhập và cũng không thể quay về nước do các nước thắt chặt việc đi lại để hạn chế dịch bệnh lây lan. MTUC đã gửi kiến nghị lên Cục Lao động, trong đó cảnh báo việc giới chủ không trả lương tối thiểu cho các lao động nước ngoài theo quy định của chính phủ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. MTUC kêu gọi các cơ quan chức năng có biện pháp để bảo vệ lao động nước ngoài, không bỏ mặc họ trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Cho đến nay, MTUC đã nhận được khoảng 300 đơn kêu cứu của các lao động bị mất việc và không được trả lương sau khi MCO có hiệu lực từ ngày 18/3 đến nay.

Tình hình dịch COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Lào, Brunei, Timor Leste trong 24h qua không có nhiều diễn biến mới đáng chú ý. Các nước tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực phòng và ngăn chặn dịch lan rộng.

Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 8/4. Việt Nam có tổng cộng 251 ca mắc COVID-19 tính tới hết ngày 8/4. Trong đó, 126 ca đã khỏi bệnh. Các ca bệnh nặng có tiến triển tốt. Chưa có ca nào tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại