Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 23:59’ ngày 23/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 35.078 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.758 trường hợp mới mắc bệnh.
Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.272 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 31 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 9.045 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại tại một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia và Lào... Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 268, ngày thứ 7 liên tiếp không phát sinh ca dương tính nào mới và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 224. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 44 ca đang phải điều trị.
Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại một chợ ở Singapore, ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở Singapore khi lệnh cách ly xã hội được ban hành do dịch COVID-19 ngày 31/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong vòng 24h qua, Singapore vẫn là nơi dịch COVID-19 lây lan nhiều nhất ở Đông Nam Á. Bộ Y tế Singapore thông báo quốc đảo sư tử ngày 23/4 đã ghi nhận thêm 1.037 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 11.178 người.
Theo bộ trên, đa số các ca nhiễm mới đều là lao động nhập cư cư trú tại các khu nhà tập thể, nhiều người trong số họ hiện đang được cách ly theo chỉ thị của Chính phủ Singapore do dịch bệnh COVID-19 bùng phát quy mô lớn tại đây.
Tâm dịch tại Singapore hiện nay là từ các khu nhà ở của lao động nước ngoài với tổng cộng 8.094/10.141 ca mắc COVID-19, chiếm 80%. Singapore có 43 khu nhà ở quy mô lớn và hơn 1.200 khu nhà ở hoán cải quy mô nhỏ hơn, với tổng cộng 323.000 lao động.
Singapore đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6, đồng thời triển khai thêm một loạt biện pháp mạnh, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4 như giảm thêm một số dịch vụ thiết yếu, giảm lưu lượng đi lại từ 20% hiện nay xuống còn 15%, đóng cửa như các cửa hàng bán đồ uống đơn lẻ, các hiệu cắt tóc, giặt là... nhằm ngăn dịch bệnh COVID-9 lây lan mạnh.
Hành khách khai báo y tế tại sân bay ở Palu, Indonesia, ngày 15/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Indonesia, ngày 23/4, Indonesia thông báo thêm 357 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 11 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 và tử vong ở nước này lên lần lượt là 7.775 và 647. Số liệu trên cho thấy tình hình dịch bệnh tại Indonesia có vẻ đang được khống chế hiệu quả hơn, khi số ca mắc bệnh mới và tử vong đều giảm đi trong mấy ngày qua.
Theo quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, số ca bình phục là 960 và đã có hơn 48.600 người được xét nghiệm virus.
Tại cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết nước này hiện còn 49 bệnh nhân nước ngoài đang được điều trị, 27 người đã hồi phục và 295 người đang bị cách ly.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Indonesia (DJBC) Heru Pambudi cho biết, tính đến ngày 19/4, các cơ quan chức năng đã nhập khẩu các loại hàng hóa để xử lý dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên tới 777,59 tỷ Rupiah (khoảng 52 triệu USD). Phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Heru Pambudi, các mặt hàng được nhập khẩu chủ yếu qua đường hàng không, bao gồm khẩu trang y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, bộ bảo vệ cá nhân (PPE), thuốc… Khoảng 63,17% hàng hóa này đến từ Trung Quốc; 8,18% đến từ Hong Kong; 4,69% đến từ Singapore; 4,79% đến từ Nhật Bản và 1,64% đến từ các quốc gia khác. Có đến 98,08% tổng giá trị hàng nhập khẩu thiết bị y tế và thuốc đã được nới lỏng thuế nhập khẩu và các khoản khác theo yêu cầu của Chính phủ như miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu đối với hàng xa xỉ… Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho khoảng 52 triệu lít cồn ethyl để sử dụng sản xuất nước rửa tay, thuốc sát trùng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Bộ Y tế Philippines ngày 23/4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 16 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 và 271 ca nhiễm virus mới.
Con số nêu trên được công bố trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte quyết định liệu sẽ dỡ bỏ hay kéo dài các biện pháp cách ly tại nước này.
Trong một thông báo, Bộ trên cho hay tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Philippines đã tăng lên 462 người trong khi tổng số ca nhiễm virus đã lên tới 6.981 người. Tuy nhiên, đã có thêm 29 ca bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 722 người.
Binh sĩ Malaysia đặt rào chắn để thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế di chuyển (MCO) lần thứ 3 tới ngày 12/5.
Theo các quyết định trước đây, giai đoạn 1 của MCO bắt đầu từ ngày 18-31/3; giai đoạn 2 từ ngày 1-14/4 và giai đoạn 3 từ ngày 15-28/4. Trong giai đoạn MCO, các ngành kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu ở Malaysia đều bị đóng cửa; người dân phải ở trong nhà và chỉ được ra ngoài mua nhu yếu phẩm trong vòng bán kính 10 km…
Tính tới ngày 23/4, Malaysia ghi nhận tổng số 5.603 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 95 ca tử vong và 3.542 ca đã khỏi bệnh, tương đương 63,2%. Trong một tuần qua, số ca nhiễm mới ở Malaysia liên tục duy trì ở mức 2 con số thay vì 3 con số như một tháng trước đó.
Người dân thủ đô Bangkok có ý thức đeo khẩu trang tại nơi công cộng để phòng chống dịch COVID-19 vào sáng 23/4. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan.
Thái Lan ngày 23/4 ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.839 ca và 50 ca tử vong.
Đây là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất tại Thái lan trong 40 ngày qua và đang trên đà giảm xuống gần một con số. Lần gần đây nhất Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số là ngày 14/3 với 7 ca.
Người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin nhận định việc số ca nhiễm mới tiếp tục giảm là “một thành công nhỏ”, cho thấy người dân đang hợp tác bằng cách ở trong nhà để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 chưa kết thúc vì đây là cuộc khủng hoảng toàn thế giới và sẽ tiếp diễn.
Một cửa hàng thuốc sử dụng tấm chắn nhựa để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Thái Lan vừa có một thỏa thuận sơ bộ với các công ty dược phẩm của Trung Quốc trong việc phát triển vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Các thử nghiệm trên người ở quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ bắt đầu trong vòng 4 tháng tới.
Tại một cuộc họp của Ủy ban Vaccine quốc gia, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Thái Lan Suwannachai Wattanayingcharoenchai nêu rõ Viện Vaccine quốc gia Thái Lan đang chuẩn bị ký một bản ghi nhớ (MoU) với các đối tác Trung Quốc để thử nghiệm một loại vaccine ngừa COVID-19 ở Thái Lan.
Dự kiến hơn 10.000 người Thái Lan sẽ tham gia thử nghiệm này và DDC sẽ cân nhắc các ứng cử viên phù hợp để làm việc cùng. Về chuyển giao công nghệ, ông Suwannachai cho biết rất nhiều phòng thí nghiệm ở Thái Lan đang sẵn sàng phát triển vaccine nếu các đối tác Trung Quốc cung cấp cho họ công nghệ.
Chiều 14/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Cùng ngày, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí hỗ trợ nhau đối phó với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 bằng cách tập trung vào giảm nhẹ những tác động của dịch bệnh, tăng cường tính linh hoạt kinh tế, chú trọng vào xuất khẩu, và giải quyết những vấn đề mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt.
Mục tiêu của hai bên là nhằm giữ cho các thị trường vẫn mở và thích nghi với những yêu cầu của khu vực và toàn cầu bằng cách cung cấp hàng xuất khẩu để ổn định hóa các điều kiện thị trường, trong khi không cản trở việc vận chuyển những mặt hàng cốt lõi như thực phẩm, hàng tiêu dùng, thuốc men và thiết bị y tế. Để hỗ trợ khôi phục các doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa, hai bên sẽ thúc đẩy những lợi thế kỹ thuật số nhằm tăng cường vị thế của khu vực như là một trung tâm thương mại và đầu tư.