Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 12/2: Căn cứ Hmeimim của Nga bị tấn công

Hoa Vũ (T/h) |

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 12/2: Căn cứ Hmeimim của Nga bị tấn công; Nga bắt đầu bảo vệ máy bay Iran khỏi Israel;...

Căn cứ Hmeimim của Nga bị tấn công

Video: Phòng không Nga đánh chặn một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Hmeimim. Nguồn: Người Đưa Tin

“Vào 19:45 (giờ Moscow), ngày 9/2, các phương tiện phòng không Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ Không quân Hmeimim bằng nhiều tên lửa tầm xa”, Chuẩn đô đốc Vyacheslav Sytnik cho biết trong một cuộc họp báo .

Theo Chuẩn đô đốc Sytnik, các hệ thống dò tìm đã xác định tên lửa được phóng từ khu vực Greater Idlib, phía tây bắc Syria.

“Không có thương vong hay thiệt hại về vật chất. Căn cứ Không quân Hmeimim của Nga vẫn hoạt động bình thường”, sĩ quan này cho biết thêm.

Một nhóm khủng bố, bao gồm nhóm khủng bố có liên quan đến al-Qaeda, Hay’at Tahrir al-Sham, đang hoạt động ở khu vực Greater Idlib. Quân đội Thổ Nhĩ Kỹ cùng đang duy trì hàng ngàn quân ở khu vực này.

Cuộc tấn công đã vi phạm trắng trợn thoả thuận ngừng bắn ở Greater Idlib và hành động vi phạm này có thể sẽ phải nhận hành động trả đũa quyết liệt từ quân đội Nga. Hành động đáp trả có thể sẽ đến trong vài ngày tới hoặc vài giờ tới.

Nga bắt đầu bảo vệ máy bay Iran khỏi Israel

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 12/2: Căn cứ Hmeimim của Nga bị tấn công - Ảnh 2.

Quân đội Nga đã bắt đầu bảo vệ các máy bay quân sự của Iran trước các cuộc tấn công tên lửa của Israel. Ảnh minh họa

Sau khi Israel từ chối tuân thủ các thỏa thuận đạt được giữa Moscow và Tel Aviv nhằm giảm leo thang tình hình ở Syria, quân đội Nga đã bắt đầu bảo vệ các máy bay quân sự của Iran trước các cuộc tấn công tên lửa của Israel.

Mới đây, một máy bay chở hàng Boeing 747 của Tehran đã được nhìn thấy hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeimim, có thể chở theo nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa tầm ngắn và tầm trung không điều khiển.

Các chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, bằng cách này, Iran đang duy trì sự hiện diện của mình ở Syria và tạo ra những trở ngại rất nghiêm trọng cho Tel Aviv, vì một cuộc tấn công của không quân Israel nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga có thể bị quân đội Nga coi là hành động xâm lược trực tiếp chống lại nước này, đây là điều rất nghiêm trọng đối với Israel.

Hiện tại, vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về vấn đề này từ Iran hay từ chỉ huy căn cứ không quân Khmeimim, tuy nhiên, các nguồn tin Syria đã thông báo về kế hoạch tấn công của không quân Israel trong những giờ tới.

Thổ Nhĩ Kỳ dùng S-400 để tái kết thân với Mỹ

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 12/2: Căn cứ Hmeimim của Nga bị tấn công - Ảnh 3.

Tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: ITN

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đồng ý không sử dụng hệ thống phòng không S-400 của Nga nếu họ tiếp tục sản xuất phụ tùng cho các hệ thống vũ khí do Mỹ và tiếp tục được hợp tác với Mỹ, tránh thiệt hại cho nền kinh tế của nước này, tờ Bloomberg cho biết.

Tờ báo này cũng cho biết rằng, Ankara cũng hy vọng Washington sẽ ngừng hỗ trợ lực lượng nhân dân người Kurd ở Syria.

Theo ông Viktor Nadein Raevsky, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể tặng hệ thống phòng không S-400 cho Mỹ vì lợi ích của mình. Ông cho rằng, điều này phụ thuộc vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan đang cố gắng đạt được mục đích kép của mình: tiếp tục theo đuổi chính sách quốc gia độc lập và không cắt đứt quan hệ với NATO và Mỹ.

“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị hầu hết là các vũ khí, thiết bị của Mỹ. Việc Mỹ từ chối hợp tác với nước này đã dẫn đến các vũ khí, thiết bị này không được bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế và thậm chí là mua mới. Điều này rất nghiêm trọng đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ”, chuyên gia này cho biết.

Ông cũng cho rằng, sẽ rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhận được những lợi ích từ việc hợp tác với Nga, đồng thời không cắt đứt quan hệ với NATO và Mỹ.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết rằng, họ mua hệ thống phòng không S-400 là do họ nghĩ rằng có thể sử dụng theo mô hình của Hy Lạp và đảo Síp.

Vào giữa những năm 1990, Síp đã mua hệ thống phòng không S-300 của Nga nhưng do phản ứng gay gắt của Ankara, sau đó hệ thống này đã được chuyển giao cho Hy Lạp và đặt trên đảo Crete. Hệ thống này sau đó nằm trong hệ thống vũ khí của NATO. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn một giải pháp tương tự cũng sẽ đạt được với Mỹ.

Ông Akar cũng cho rằng, vũ khí thời Liên Xô vẫn nằm trong kho vũ khí của nhiều nước từng là thành viên của Hiệp ước Warsaw và sau đó trở thành thành viên của NATO.

Đáp lại lời của phía Thổ Nhĩ Kỳ, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Satterfield đã tuyên bố rằng, chính sách của Washington đối với lực lượng nhân dân người Kurd không thay đổi và Thổ Nhĩ Kỳ phải loại bỏ hệ thống phòng không S-400 nếu muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, ông Satterfield cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ không có ý định thành lập một nhóm làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các vấn đề xung quanh các hệ thống phòng không S-400.

Trước đó, hợp đồng cung cấp các hệ thống phòng không S-400 đã được ký giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017. Việc giao hàng đã bắt đầu vào giữa tháng 7/2019. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống này nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng chính thức.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không của Nga đã gây ra khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Sau đó, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này ra khỏi chương trình sản xuất F-35.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại