Tỉnh giáp với Hà Nội sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo

Pha Lê |

Vị trí địa lý của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Vị trí đặc biệt của Hòa Bình

Hoà Bình thuộc vùng Trung du và Miền núi Phía Bắc, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Tỉnh tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội. Trung tâm TP Hòa Bình cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 75km, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 90 km và cách cảng biển Hải Phòng khoảng 170 km. Đặc biệt tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường Quốc lộ (QL 6) chạy qua địa bàn tỉnh khiến cho việc kết nối giữa Hoà Bình với các tỉnh trong khu vực khá thuận lợi.

Hòa Bình có tiềm năng phát triển mạnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của vùng. Vị trí địa lý của Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, đưa Hòa Bình trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của vùng Tây Bắc hiện nay và trong tương lai. Hòa Bình còn có vai trò rất quan trọng đối với vùng Tây Bắc và cả nước trong việc kết nối với các địa phương khác về du lịch, văn hoá, cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương lân cận.

Tuy nhiên, do đa số các địa phương trong vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển tương đối giống nhau và hầu hết các tỉnh đều xác định động lực phát triển là các lĩnh vực: Hạ tầng, thủy điện, nông nghiệp, du lịch… nên bên cạnh liên kết và hợp tác, giữa Hòa Bình và các tỉnh trong vùng sẽ có sự cạnh tranh nhất định trong phát triển KTXH.

Tỉnh giáp với Hà Nội sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo- Ảnh 1.

Một góc Hòa Bình

Hòa Bình sẽ là tỉnh phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc top khá của cả nước.

Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả.

Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9%/năm; trong đó Nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 3,5%, Công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 10,8%/năm, Dịch vụ đạt khoảng 10%/năm, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 6,7%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8%/năm.

Tỉnh giáp với Hà Nội sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo- Ảnh 2.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người là 168 - 170 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 15%, Công nghiệp - Xây dựng chiếm khoảng 47%, Dịch vụ chiếm khoảng 34%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân hàng năm giảm từ 2 đến 2,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, là trung tâm dịch vụ du lịch và công nghiệp chế biến chế tạo hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; hệ thống đô thị thông minh, xanh và bền vững; khu vực nông thôn hiện đại, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. 

Người dân có điều kiện sống tốt, mức sống cao, được hưởng thụ các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội chất lượng cao, bền vững. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc đặc biệt là văn hóa Mường và nền văn hóa Hòa Bình được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

Quy hoạch 2 đô thị, lập quy hoạch xây dựng 8 vùng huyện

Theo quy hoạch, Hòa Bình có 2 đô thị gồm thành phố Hòa Bình và thị xã Lương Sơn. Thành phố Hoà Bình phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại II; là hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc, cửa ngõ giao lưu giữa tiểu vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội; là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh; có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng phía Tây vùng Thủ đô.

Thị xã Lương Sơn phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại III, trong đó có 8 đơn vị hành chính cấp phường và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa – xã hội giữa miền núi Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô.

Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng lập quy hoạch xây dựng 8 vùng huyện của Hòa Bình gồm Cao Phong, Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Sơn và Lạc Thủy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại