Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkông (GMS).
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,2%/năm. GRDP bình quân đầu người người đạt khoảng 140 - 170 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, sau năm 2030, Quảng Trị sẽ nâng cấp toàn bộ huyện Hải Lăng thành thị xã Hải Lăng; thị trấn Diên Sanh và đô thị La Vang trở thành phường nội thị của thị xã Hải Lăng.
Giai đoạn đến năm 2040, thị xã Quảng Trị định hướng mở rộng, tiến hành đồng thời với quá trình nâng cấp huyện Hải Lăng lên thị xã. Thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận định hướng trở thành đô thị loại III.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ; và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc. 8 đô thị mới hình thành là Nam Cửa Việt, La Vang, Sòng, Cùa, Tà Rụt, Lìa, Hướng Phùng và thị xã Hải Lăng.
Định hướng là trung tâm năng lượng sạch của miền Trung
Theo quy hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.
Quy hoạch nêu rõ, sẽ phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, là điển hình của phát triển hài hoà và hiệu quả giữa 3 lĩnh vực kinh tế - môi trường năng lượng, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng.
Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavẳn (Lào).
Ngoài ra, hoàn thiện 9 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 2.500 ha, trong đó có 6 KCN nằm trong khu kinh tế và 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.000 ha, trong đó có 3 cụm công nghiệp nằm trong Khu kinh tế. Ngoài các khu, cụm công nghiệp đã được xác định, khi có đủ điều kiện theo quy định bổ sung các khu, cụm công nghiệp trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, khu vực vành đai ven biển để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.
Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ với 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và phía Đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 4.737 km2; chiếm 1,43% diện tích cả nước và dân số hơn 632.000 người – ít nhất vùng Bắc Trung Bộ.
Tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh này lên tới mức 16,41% vào năm 2011. Con số này giảm xuống 5,93% vào cuối năm 2021. Hiện nay, Quảng Trị đang xếp thứ 18 trong danh sách các tỉnh, thành có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh là 6,68%. GRDP bình quân đầu người là 71 triệu đồng. Hai chỉ tiêu này đều vượt kế hoạch đề ra, nhưng chỉ đứng ở nhóm trung bình trong cả nước.