Tỉnh duy nhất nằm trong Vùng Thủ đô nhưng không tiếp giáp Thủ đô

Nhã Mi |

Theo Luật Thủ đô 2012, Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.

Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Không gian Vùng được xác định phát triển theo 6 định hướng. Thứ nhất, phát triển thành Vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Thứ hai, Vùng phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới. Thứ ba, Vùng có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng. Thứ tư, Vùng có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt. Thứ năm, Vùng có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ sáu, Vùng sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.

Vùng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích khoảng 24.314,7km2, gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh gồm: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình và Phú Thọ, được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hà Nội tiếp giáp 8 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên (ở phía bắc), Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên (ở phía đông), Hà Nam (ở phía nam), Hòa Bình (ở phía nam và phía tây), Phú Thọ (ở phía tây).

Như vậy, Hải Dương là tỉnh duy nhất nằm trong Vùng Thủ đô nhưng không tiếp giáp Thủ đô.

Hải Dương, cùng với Hưng Yên và Hà Nam được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống đô thị hướng biển (qua hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý) và vùng nông nghiệp phía Nam của Vùng sẽ phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị, kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Theo Cổng thông tin điện tử Hải Dương, Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với 5/7 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng Sông Hồng, có giao thông thuận lợi tạo liên kết vùng.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương rất thuận tiện bao gồm nhiều tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy. Hải Dương gần 2 sân bay đó là: Sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội và Sân bay Cát Bi Hải Phòng, và có tuyến đường vận chuyển Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh chạy qua. Hệ thống giao thông như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành khác trong và ngoài nước.

Với 11 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu, 6 KCN mới triển khai năm 2021 (1.097 ha), 8 KCN phát triển trong tương lai (1.890 ha) và 53 cụm công nghiệp (2.683 ha), Hải Dương sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng.

Đáng chú ý, nguồn quỹ đất công nghiệp ở tỉnh vẫn dồi dào, được định hướng lên đến hơn 20.000 ha giai đoạn 2021-2030, tỉnh có thể phát triển công nghiệp, theo đúng định hướng "Công nghiệp – Hiện đại hóa" trong tương lai.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Khi công nghiệp phát triển sẽ kéo theo dịch vụ, đô thị, du lịch, thương mại... phát triển, có điều kiện để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ sở để Hải Dương phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2021, Hải Dương là tỉnh đứng thứ 8 về số dân với 1,9 triệu người, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5%. GRDP đạt 149.700 tỷ đồng (tương đương 6,480 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng (tương ứng với 3.347 USD).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại