Tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân lọt top 10 cao nhất Việt Nam

Minh Tiến |

Tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân thuộc top 10 cao nhất nằm tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.110 USD. Trong đó, cả nước có 13 địa phương có GRDP lớn hơn mức bình quân. 10 tỉnh, thành có GRDP bình quân cao nhất trong năm 2022 gồm có: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc ninh, Bình Dương, TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Cả nước hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) với 24 tỉnh, thành: Vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc; vùng KTTĐ phía Nam gồm có TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang; vùng KTTĐ miền Trung hiện có Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; vùng KTTĐ vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4 tỉnh, thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.

Như vậy, trong 10 tỉnh, thành có GRDP bình quân cao nhất trong năm 2022 có tới 9 địa phương thuộc các vùng KTTĐ. Tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân thuộc top 10 cao nhất Việt Nam là Thái Nguyên.

Tỉnh duy nhất không thuộc vùng kinh tế trọng điểm nhưng có GRDP bình quân lọt top 10 cao nhất Việt Nam - Ảnh 1.

10 tỉnh, thành có GRDP bình quân cao nhất Việt Nam năm 2022. Nguồn: Cục thống kê các tỉnh, thành.

Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh Thái Nguyên (GRDP) ước đạt 8,59% (kế hoạch là 8%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản (hiện công nghiệp - xây dựng chiếm 59,5%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,5%).

GRDP bình quân đầu người của Thái Nguyên đạt 107 triệu đồng/người/năm (4.831 USD), tăng 12,5% so với năm 2021 và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 56,3 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng là 22,1%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 31 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ, đạt 96,6% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 18,54 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch tỉnh giao 3%, tăng 3,4% so cùng kỳ.

Năm 2023, nền kinh tế trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng, tiếp tục diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nhờ đó, kinh tế trong quý 1 của tỉnh đã duy trì được đà tăng trưởng khá; một số ngành, lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước.

Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 9,9 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 4.170 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương đạt trên 2.140 tỷ đồng; tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 94.700 tỷ đồng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 3 đạt 500 tỷ đồng, tương đương 6,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Thái Nguyên có 6 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký 93,1 triệu USD; 3 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký trên 7,35 triệu USD trong quý 1/2023. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 178 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 10,4 tỷ USD.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 195 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 1.446 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 9.027 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 130.710 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá nguyên vật liệu đầu vào ở hầu hết các ngành sản xuất duy trì ở mức cao.... là những khó khăn hiện hữu mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nhờ có hướng đi đúng của tỉnh, cùng sự chủ động của các doanh nghiệp, quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt những kết quả nhất định và đặc biệt là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại