Cà Mau nằm ở cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh được tái lập năm 1997 với diện tích khoảng 5.300 km2. Đây là tỉnh rộng thứ 2 và gần bằng 13% diện tích ĐBSCL. Dân số Cà Mau khoảng 1,4 triệu người (2019). Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254 km. Vùng biển Cà Mau rộng trên 71.000 km2, tiếp giáp với vùng biển của các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Nguồn: UBND tỉnh Cà Mau
Tận dụng lợi thế sẵn có, Cà Mau được định hướng trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, bền vững kinh tế biển của khu vực ĐBSCL. Hằng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GRDP của tỉnh. Cà Mau cũng trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau đạt 1,08 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện Việt Nam lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản.
Tôm là sản phẩm chủ lực của Cà Mau, đặc biệt là tôm càng xanh ở huyện Thới Bình. Năm 2022, sản lượng tôm đạt 227.950 tấn, chiếm hơn 36% tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh. Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm 45% khu vực ÐBSCL và 40% cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm đạt gần 1 tỷ USD, chiếm 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, được đầu tư công nghệ và các thiết bị hiện đại, công suất đạt hơn 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm.
Mặt khác, Cà Mau còn phát triển gần 400 km2 mô hình canh tác lúa - tôm (luân phiên thả tôm sú, sản xuất lúa kết hợp thả tôm càng xanh). Mô hình được đánh giá phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, ngoài ra còn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Ngày 27/10/2022, tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần 6 km2 tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại vùng chuyên canh lúa - tôm của xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là diện tích tôm sú được nuôi trên đất lúa tại Việt Nam đạt chứng nhận này.
Bên cạnh thế mạnh thuỷ hải sản, vùng biển Cà Mau có trữ lượng dầu khí khá lớn nằm dưới thềm lục địa, phù hợp phát triển công nghiệp dầu khí. Còn rừng U Minh Hạ (huyện U Minh) là một trong những nơi chứa than bùn lớn nhất Việt Nam. Trong tổng số diện tích gần 400 km2 của rừng thì chỉ có khoảng 85 km2 có chứa than bùn, ước tính khoảng 13 triệu tấn. Trong ảnh là cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau (huyện U Minh), một trong 3 dự án kinh tế lớn giai đoạn 2000-2005 của Việt Nam, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 1,9 tỷ USD.
Ngoài ra, Cà Mau đã có 12 dự án điện gió với công suất 700 MW được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án đã đưa vào vận hành và 7 dự án đang thi công. Trong tương lai, tỉnh sẽ có thêm nhiều công trình điện gió được triển khai dọc ven biển từ đông sang tây. Trong ảnh là Nhà máy điện gió Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) được khánh thành vào năm 2022. Công trình được kỳ vọng sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 225 triệu kWh/năm, góp 45 tỷ đồng/năm vào ngân sách tỉnh Cà Mau.
Có vị trí địa lý đặc biệt với 3 mặt giáp biển cùng 1.000 km2 rừng ngập nước, Cà Mau định hướng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du lịch sinh thái cộng đồng là mô hình chủ đạo, gắn với việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong ảnh là khu du lịch Mũi Cà Mau, rộng 201 km2 và nằm trong hệ thống quy hoạch 46 khu du lịch quốc gia. Nơi đây đã phát triển loại hình du lịch “về nguồn” - điểm cực Nam của Tổ quốc và tuyến du lịch xuyên rừng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước.
Tỉnh đã có khoảng 25 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động, đón trên 123.000 lượt khách mỗi năm. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa phê duyệt kinh phí đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để làm các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Hạ với diện tích 13,18 km2. Dự án sẽ kết nối với các tuyến du lịch xung quanh, tạo sinh kế cho người dân cũng như nâng cao ý thức trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Xác định hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tháng 3/2023, đường bay Hà Nội - Cà Mau được mở, giúp điểm cực nam của Tổ quốc tiếp cận được lượng lớn du khách khắp cả nước, đặc biệt là miền Bắc. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, vào dịp lễ Quốc Khánh, tỉnh đón hơn 57.000 lượt khách, tổng thu hơn 74 tỷ đồng, trong đó Khu du lịch Mũi Cà Mau đón hơn 9.660 lượt.
Hiện tỉnh có khoảng 220 km đường quốc lộ và 337 km đường tỉnh lộ. Tương lai, tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau, đường Hành lang ven biển phía Nam… được hình thành sẽ giúp tỉnh cực nam thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong ảnh là đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi dài 58,7km, tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỷ đồng, được thông xe vào năm 2016. Đây là đoạn cuối cùng của Dự án đường Hồ Chí Minh, tạo thành trục giao thông huyết mạch, thông suốt từ điểm đầu tại Pác Bó, Cao Bằng đến điểm cuối là Đất Mũi, tỉnh Cà Mau.
Theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhì.n đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển không gian lãnh thổ theo hướng 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng gắn với 2 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam (thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) và các trục liên kết phát triển. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung nguồn lực, phấn đấu đưa thành phố Cà Mau trở thành đô thị loại I và đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.