Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11, Bình Dương vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư FDI, đạt 42,39 tỷ USD . Tỉnh này hiện có gần 4.400 dự án FDI hoạt động tại 29 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, với tỷ lệ thuê đất đạt trên 93%.
Thành công của Bình Dương đến từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.
Hà Nội thu hút gần 42,2 tỷ USD vốn FDI, giữ vị trí thứ ba sau Bình Dương.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI đạt 58,45 tỷ USD, tăng thêm 127 triệu USD so với tháng trước. Thành phố vẫn duy trì sức hút nhờ vị thế kinh tế đầu tàu, hệ thống hạ tầng hiện đại và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bình Dương đã thu hút 825 triệu USD vốn FDI, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Từ đầu năm tới tháng 6/2024, Bình Dương thu hút 96 dự án mới, 60 dự án điều chỉnh tăng vốn và 62 dự án góp vốn mua cổ phần. Trong số hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhà đầu tư tại Bình Dương, trong đó các nhà đầu tư đến từ Singapore dẫn đầu với gần 309 triệu USD, chiếm 37,5% tổng vốn đăng ký.
Bình Dương có 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích 12.663 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 93,3% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 790 hecta, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%, đáp ứng được yêu cầu thu hút, bố trí các dự án đầu tư.
Một trong những khu công nghiệp thế hệ mới là Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3), thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Khu công nghiệp này có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
Tập đoàn Pandora của Đan Mạch đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng nhà máy chế tác trang sức cao cấp tại Bình Dương. Trước đó, Tập đoàn Lego cũng đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào VSIP 3 để sản xuất đồ chơi trẻ em.
Kinh tế Bình Dương phát triển tích cực
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương duy trì phát triển tích cực và đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến rõ nét qua từng tháng, từng quý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ duy trì ổn định, đạt trên 90% tổng quy mô nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,01% (kế hoạch tăng 8,0 - 8,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng (kế hoạch 185,5 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 64,83% - 25,06% - 2,73% - 7,38% (kế hoạch 65,95% - 24,35% - 2,51% - 7,19%).
Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các ngành chủ lực phục hồi tích cực và ổn định trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023 (kế hoạch tăng trên 8,7%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 352.000 tỷ đồng, tăng 13,3% (đạt kế hoạch tăng 13-14%).
Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,7% (kế hoạch tăng 9-10%); kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,2% (kế hoạch tăng 9-10%).
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, B ình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030, hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.