Theo các nhà khảo cổ tại Bảo tàng Lịch sử Bắc Jutland, Đan Mạch, thanh kiếm này có hai lưỡi dài khoảng 112 cm và có khả năng là thuộc về chiến binh ưu tú thời Trung Cổ trong giai đoạn những năm 1.300. Đặc biệt, vị chiến binh này có thể đã bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu thứ vũ khí hiểm hóc này.
Một người thợ lắp đặt đường ống và một kỹ sư ở Aalborg, Đan Mạch, tìm thấy một thanh kiếm khoảng 900 năm tuổi vẫn còn sắc bén. Ảnh: Nordjyllands Historiske Museum
Trong một tuyên bố, Bảo tàng lịch sử Bắc Jutland, cho biết: "Việc sở hữu một thanh kiếm vào thời Trung Cổ là cực kỳ tốn kém, và chỉ có những chiến binh tinh nhuệ hoặc các quý tộc thì mới có thể mang theo vũ khí như này".
Thanh kiếm nặng hơn 1kg được tìm thấy ở bên dưới một cống nước ở Đan Mạch. Nhà khảo cổ học Kenneth Nielsen chia sẻ, người chiến binh thời Trung Cổ có thể đã đánh rơi mất thanh kiếm trong một cuộc chiến quân sự tại Aalborg, nay là thành phố lớn thứ tư ở Đan Mạch.
Mặc dù được tìm thấy ở dưới cống nước nhưng thanh kiếm này vẫn còn gần như nguyên vẹn và rất sắc bén. Hiện tại, các chuyên gia khảo cổ vẫn đang xác định niên đại chính xác của thanh kiếm.
Thanh kiếm có chiều dài 112cm. Ảnh: Nordjyllands Historiske Museum
Nó có thể đã được chế tạo từ những năm 1.100, có nghĩa là 200 năm trước khi trở thành vũ khí của một chiến binh Trung Cổ vào khoảng các năm 1.300. Do đó, thanh kiếm mới được tìm thấy ở Đan Mạch có niên đại cách ngày nay khoảng 900 năm tuổi.
Ngoài ra, dựa theo những dấu vết trên thanh kiếm chỉ ra rằng thứ vũ khí này đã được sử dụng ít nhất khoảng 3-4 lần trong chiến trận trước khi nó bị thất lạc.
Các nhà khảo cổ cho biết, tìm thấy một thanh kiếm cổ dưới cống nước là một việc rất hiếm có, bởi vì hầu hết những vũ khí cố như vậy đều được đặt ở trong những ngôi mộ của chiến binh hay giới quý tộc.
Đây không phải là cổ kiếm duy nhất được phát hiện ở vùng Scandinavia. Trước đó, vào năm 2018, một bé gái 8 tuổi đã bất ngờ tìm thấy một thanh kiếm cổ 1.500 năm tuổi ở một hồ nước tại Thụy Điển.
Thanh kiếm trên sẽ được làm sạch, bảo quản và sau đó trưng bày tại Bào tàng Lịch sử Aalborg. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ hiện có kế hoạch sẽ mở rộng tiến hành khai quật khu vực cống ngầm để xem liệu có phát hiện thêm được cổ vật nào hay không.
Tham khảo nguồn: Livescience, Gizmodo