Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, Bình Dương là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai.
Theo thông tin thống kê mới nhất, tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam bộ); dân số trung bình 2.568.689 người, GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, Bình Dương 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Thủ Dầu Một, 4 thị xã Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Theo đó, Bình Dương là tỉnh có nhiều thị xã nhất Việt Nam.
Trước đây, Bình Dương khi đó chỉ là một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ còn quá nhỏ bé. Tuy nhiên, Bình Dương đã trỗi dậy với chủ trương tập trung phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt chảy về Bình Dương. Tính đến tháng 4/2023, lũy kế tổng vốn FDI chảy vào Bình Dương đạt khoảng 39,99 tỷ USD, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành. Vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Bình Dương tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Trong đó, có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%. Với tỷ lệ lấp đầy này, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước.
Theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, so với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng, 13% về diện tích khu công nghiệp và có diện tích khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Bình Dương có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An…
Hiện nay, khu vực có vốn FDI tiếp tục là lực lượng dẫn dắt, đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và các khu công nghiệp nói riêng.
Các khu công nghiệp đang hoạt động tại Bình Dương đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và đã được lấp đầy gần hết. Trên thực tế, các nhà đầu tư rót vốn vào tỉnh Bình Dương đầu tư dễ dàng nhận được nhiều thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào và xuất khẩu nhờ lợi thế về logistics và liên kết của các khu công nghiệp.
Cụ thể, để thu hút đầu tư, tỉnh tập trung phát triển kết cấu giao thông đồng bộ. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, giúp kết nối nội đô và các vùng lân cận. Tiêu biểu, tỉnh đã mở rộng quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm kết nối giao thông vùng.
Cùng với đó, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 để kết nối với TP. HCM và Đồng Nai nhằm tạo thuận lợi cho logistics liên tỉnh.
Nhờ vào sự phát triển mạnh về công nghiệp và thu hút đầu tư FDI, Bình Dương đã trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước trong nhiều năm liên tiếp. Trong giai đoạn 2002-2021, thu nhập bình quân của Bình Dương luôn lọt top 5 cả nước.
Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 0,504 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 4 cả nước. Năm 2021, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 14 lần.