“Vấn đề với H-20 là khi bạn thực sự nhìn vào thiết kế hệ thống, nó có thể không tốt bằng các nền tảng LO [có khả năng quan sát thấp] của Mỹ, đặc biệt là những nền tảng tiên tiến hơn mà chúng ta sắp đưa ra”, vị quan chức nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc ngày 22/4.
“Họ [ Trung Quốc ] đã gặp phải rất nhiều thách thức về thiết kế kỹ thuật, về cách thức thực sự khiến khả năng của hệ thống đó hoạt động theo cách tương tự như B-2 hoặc B-21”, vị quan chức nhận định.
H-20 được kỳ vọng sẽ là câu trả lời của Bắc Kinh đối với các nền tảng của Mỹ như B-21 Raider mới, mặc dù có rất ít thông tin về chương trình của Trung Quốc do tính bí mật quốc gia cao độ.
Hồi tháng 3, một sĩ quan quân đội Trung Quốc được cho là đã nói với báo Trung Quốc Hong Kong Commercial Daily rằng H-20 sẽ sớm được ra mắt, dù chưa rõ mốc thời gian rõ ràng.
“Bạn biết đấy, họ [Trung Quốc] muốn chứng tỏ là một cường quốc quân sự. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó [H-20] thực sự mang lại cho họ loại khả năng mà họ cần hoặc với số lượng mà họ cần”, vị quan chức tình báo quân sự Mỹ nói.
Khi được hỏi liệu H-20 có phải là mối lo ngại hay không, vị quan chức trả lời: “Không hẳn”.
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá thấp một phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa không quân của Trung Quốc.
Tháng 9/2022, cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, tướng Kenneth Wilsbach, nói với các phóng viên rằng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 “không phải thứ khiến người ta mất ngủ nhiều” (Vị quan chức tình báo quân sự ngày 22/4 cho rằng J-20 “vẫn là một hệ thống có khả năng cao” nhưng là hệ thống không “đáp ứng tất cả các thông số ban đầu của [Trung Quốc]”).
H-20 được cho là có hình dáng tương tự máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ. Theo báo Trung Quốc South China Morning Post , máy bay tàng hình mới của Trung Quốc có khả năng bay nửa vòng Thái Bình Dương, mang theo tới 45 tấn bom.
Chuẩn bị cho cuộc đấu kéo dài với Mỹ
Mặc dù không được coi là một cuộc họp giao ban về Trung Quốc, nhưng bình luận của quan chức tình báo quân sự hôm 22/4 hầu như chỉ tập trung vào mối đe dọa quân sự do Bắc Kinh gây ra, điều mà các quan chức Lầu Năm Góc gọi là “thách thức tốc độ” của Mỹ.
Vị quan chức nhận định, Trung Quốc nghiêm túc trong việc chuẩn bị cho mọi tầng lớp xã hội cho một cuộc xung đột “kéo dài” với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang cố tình trang bị cho quân đội nước này để khai thác điểm yếu của quân đội Mỹ.
Một trọng tâm của quá trình hiện đại hóa quân sự đang phát triển của Trung Quốc là mở rộng danh mục đầu tư hạt nhân, với việc nước này đã tích lũy kho vũ khí gồm 500 đầu đạn hạt nhân mà các quan chức cảnh báo có thể vượt quá 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Nhưng có những nghi ngờ về sức mạnh quân sự thực tế của Trung Quốc trong bối cảnh tình trạng tham nhũng tràn lan, dẫn đến việc trong tên lửa không có nhiên liệu mà lại chứa nước hoặc nắp phóng không hoạt động, Bloomberg đưa tin.
Khi được hỏi về bản tin của Bloomberg , vị quan chức tình báo cho rằng, “một số trong số [tên lửa] đó có thể chứa đầy nước hoặc có nắp phóng không mở được nhưng không phải tất cả” trong lực lượng quân sự Trung Quốc.
Vị này nói: “Tôi đoán, thách thức lớn nhất đối với phía Trung Quốc thực ra không phải là khả năng của các hệ thống thực tế, mà là năng lực nhân sự để sử dụng hiệu quả các hệ thống đó ở tốc độ và quy mô cần thiết”.
Đáng chú ý, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã chứng kiến một số lãnh đạo của lực lượng này bị miễn nhiệm trong những tháng gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cũng đã “ngã ngựa”.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn đang chuẩn bị cho một kịch bản trong đó phần lớn sức mạnh quân sự của Bắc Kinh có hiệu quả cao.
Dù giới chức Mỹ đã công khai nhấn mạnh rằng không có chuyện chiến tranh với Trung Quốc là không thể tránh khỏi, là sắp xảy ra, nhưng phía Trung Quốc gần như chắc chắn nghĩ rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi, vị quan chức Mỹ nói. Theo vị này, lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, Mỹ sẽ là kẻ khơi mào chiến tranh.
Giải thích suy nghĩ của các lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc, vị quan chức tình báo nói: “Tôi không muốn cho rằng người Trung Quốc không giỏi [trong chiến đấu], bởi vì chúng ta sẽ không biết họ không giỏi cho đến khi họ bắn phá chúng ta. Và tôi không muốn rơi vào tình thế mà tôi phát hiện ra: Ồ, họ thực sự giỏi đến vậy. Đó là một vấn đề”.
Theo South China Morning Post , Tây An H-20 là máy bay ném bom tàng hình cỡ lớn đang được phát triển cho Lực lượng Không quân Trung Quốc. Máy bay ném bom này sẽ bổ sung và cuối cùng thay thế H-6, một mẫu thiết kế từ những năm 1950 mà Trung Quốc đã liên tục nâng cấp trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc lần đầu tiên công bố H-20 vào năm 2016, dự kiến được ra mắt trong vài năm tới. H-20 được mô tả là có thiết kế cánh bay đánh đổi tốc độ để lấy tầm bắn và khả năng tàng hình. Theo nguồn tin đại lục của South China Morning Post , H-20 sẽ có tải trọng bom 45 tấn, vượt xa con số 35 tấn của B-52H Stratofortress và 20 tấn của B-2 Spirit.
Theo Breaking Defense, SCMP, Bloomberg