Tin vui về cao tốc gần 21.000 tỷ, tương lai 8 làn xe, là đường bộ ngắn nhất từ TPHCM đi Campuchia

Duy Anh |

Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài dài 50km cần tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.889 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2024 được đánh giá là dự án vô cùng cấp thiết.

Đường cao tốc 20.889 tỷ dự kiến khởi công vào năm 2024

Theo báo SGGP, chiều 10/11 vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

UBND TPHCM đã báo cáo, đề xuất Bộ KH-ĐT xem xét, bổ sung dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài giai đoạn 1 vào danh mục các dự án thí điểm chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thống nhất bổ sung trong nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tin vui về cao tốc gần 21.000 tỷ, tương lai 8 làn xe, là đường bộ ngắn nhất từ TPHCM đi Campuchia - Ảnh 1.

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài khi hoàn thành. Ảnh: Ban Giao thông

Đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 20.889 tỷ đồng, dài khoảng 50km (đoạn TPHCM 23,7km, đoạn Tây Ninh 26,3km).

Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng trước 4 làn xe, sau đó sẽ mở rộng lên 6-8 làn. TPHCM được giao chủ trì xây dựng tuyến đường.

Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

"Đẩy nhanh xây dựng tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài là vô cùng cấp thiết"

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TPHCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TPHCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại, trở thành cửa ngõ ra vào TPHCM.

Đồng thời, dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng, khu vực ASEAN.

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) thông tin trên báo Tuổi trẻ về kế hoạch triển khai dự án: Sang năm 2024, Ban Giao thông sẽ tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.

TP sẽ cố gắng thông xe toàn tuyến trong năm 2027, đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia vừa được khởi công.

Ông Phúc cho biết, sự cấp thiết của dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài ngày càng được thể hiện rõ khi tuyến đường độc đạo của TPHCM đi Tây Ninh (quốc lộ 22) ngày càng quá tải.

"Quan trọng hơn hết, tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện phát triển không gian đô thị mới, kinh tế - xã hội, công ăn việc làm, khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến, tạo nên sức sống mới cho khu vực Tây Bắc thành phố" - ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Tin vui về cao tốc gần 21.000 tỷ, tương lai 8 làn xe, là đường bộ ngắn nhất từ TPHCM đi Campuchia - Ảnh 2.

Quốc lộ 22, tuyến đường độc đạo kết nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh đang quá tải. Ảnh: Người lao động

Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ được thực hiện bởi những cơ chế đặc thù, tương tự với dự án đường vành đai 3. Ban Giao thông sẽ giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư. Đồng thời, với nghị quyết 98 có cách thức đầu tư dự án theo TOD (khai thác những quỹ đất tiềm năng), do đó Ban Giao thông cũng đang tính toán, trình với Chính phủ để khai thác theo hướng này.

Nói sâu hơn về vai trò của cao tốc trên đối với Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phân tích trên báo Người lao động: Khu kinh tế này nằm trên trục đường xuyên Á, tuyến hành lang phía Nam quan trọng của tiểu vùng Mê Kông, kết nối TPHCM - Phnom Penh - Bangkok, có độ mở giao thương lớn.

Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ - TPHCM - Mộc Bài - Vương quốc Campuchia và tiểu vùng sông Mê Kông.

Bên cạnh đó, Mộc Bài nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trục kết nối giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hình thành bộ 3 cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố "đường biển - đường hàng không và đường bộ" của vùng.

Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài góp phần mở rộng không gian phát triển cho TPHCM và vùng Đông Nam Bộ gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của quốc gia. Vì vậy, việc đẩy nhanh thực hiện tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài là vô cùng cấp thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại