Tin tức thế giới 11-12: UAV tấn công Ukraine trên diện rộng; Giải Nobel đã trao hoành tráng

Minh Khôi |

Hơn 1,5 triệu người ở thành phố cảng Odessa không có điện; Dân New York được khuyến cáo đeo khẩu trang; Bản thảo của bác học Darwin đấu giá được 882.000 USD; Giải Nobel đã trao tối 10-12... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-12.

Tin tức thế giới 11-12: UAV tấn công Ukraine trên diện rộng; Giải Nobel đã trao hoành tráng - Ảnh 1.

Tiểu thương thắp đèn cầy trong cửa hàng ở thành phố Odessa, Ukraine - Ảnh: REUTERS

* Mất điện diện rộng ở thành phố cảng Odessa và khu vực xung quanh. Các quan chức Ukraine cho biết tất cả các cơ sở hạ tầng không quan trọng ở cảng Odessa của Ukraine đều bị mất điện sau khi Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất để tấn công hai cơ sở năng lượng.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hơn 1,5 triệu người ở khu vực này không có điện. Ông Zelensky nói tình hình rất khó khăn và có thể mất nhiều tháng để sửa chữa thiệt hại.

Odessa, thành phố cảng lớn nhất Ukraine, có dân số hơn 1 triệu người trước khi Nga tấn công nước này ngày 24-2.

Kiev cho biết Nga đã phóng hàng trăm máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất vào các mục tiêu ở Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook rằng 15 máy bay không người lái đã nhằm vào các mục tiêu ở khu vực phía nam Odessa và Mykolaiv. 10 chiếc trong số đó đã bị bắn hạ.

* 3 người thiệt mạng và cả chục người mất tích trong vụ nổ chung cư ở Anh. Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 10-12 (giờ địa phương) ở đảo Jersey, lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh với dân số chỉ hơn 100.000 người.

"Tôi rất tiếc phải thông báo chúng ta có 3 trường hợp tử vong", sĩ quan Robin Smith - cảnh sát trưởng Jersey - phát biểu tại một cuộc họp báo.

Cảnh sát đã được gọi đến khu nhà vào tối 9-12 sau khi người dân báo có mùi gas. Tòa nhà 3 tầng đã bị sập hoàn toàn sau vụ nổ, 20-30 người đã được sơ tán.

Cơ quan chức năng vẫn đang điều tra nguyên nhân chính xác của vụ nổ. Hiện cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót.

Tin tức thế giới 11-12: UAV tấn công Ukraine trên diện rộng; Giải Nobel đã trao hoành tráng - Ảnh 2.

Những người đại diện cá nhân và tổ chức cùng đoạt giải Nobel Hòa bình lên nhận giải thưởng ở Tòa thị chính Oslo, Na Uy ngày 10-12 - Ảnh: REUTERS

* Lễ trao giải Nobel trở lại sang trọng và hào nhoáng. Ngày 10-12, chủ nhân các giải thưởng Nobel danh giá của năm 2022 đã tụ họp tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển để tham dự lễ trao giải đầu tiên được tổ chức trực tiếp và hoàn chỉnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến hầu hết các sự kiện trên thế giới bị gián đoạn hoặc phải tổ chức trực tuyến.

Các buổi lễ trao giải năm 2020 và 2021 đều được thu gọn quy mô và không tổ chức tiệc chiêu đãi sau sự kiện. Tại sự kiện năm nay, bên cạnh những người đoạt giải năm 2022 còn có sự tham dự của nhiều nhà khoa học đã đoạt giải trong các năm 2020 và 2021. Trong tuần, chủ nhân các giải thưởng Nobel danh giá đã tham dự nhiều hoạt động từ thảo luận nhóm cho tới các buổi họp báo, đến thăm các trường học với các bài thuyết giảng và tham gia buổi trình diễn nghệ thuật.

Tin tức thế giới 11-12: UAV tấn công Ukraine trên diện rộng; Giải Nobel đã trao hoành tráng - Ảnh 3.

Tiệc chiêu đãi quan khách tại Tòa thị chính Stockholm với sự tham dự của Hoàng gia Thụy Điển, các quan chức chính phủ, các chủ doanh nghiệp và những nhân vật có ảnh hưởng từ nhiều quốc gia - Ảnh: REUTERS

* Nhân viên cứu hộ người Đức được trả tự do sau hơn 4 năm bị bắt cóc ở Niger. Ông Joerg Lange, 63 tuổi, vừa được trả tự do sau hơn 4 năm bị bắt cóc ở phía tây Niger, quốc gia khu vực Tây Phi.

Một nhóm vũ trang đi xe máy đã bắt cóc ông Lange vào tháng 4-2018 tại gần thị trấn Inates của Niger. Nơi này có nhiều nhóm chiến binh có liên hệ với Al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tổ chức nhân đạo Help, cơ quan thông báo ông Lange được thả, chưa tiết lộ lý do ông Lange được thả tự do và hiện ông đang ở đâu.

Tin tức thế giới 11-12: UAV tấn công Ukraine trên diện rộng; Giải Nobel đã trao hoành tráng - Ảnh 4.

Ông Joerg Lange, 63 tuổi, vừa được trả tự do sau hơn 4 năm bị bắt cóc ở phía tây Niger - Ảnh: TWITTER

* Cuba bắt đầu lắp đặt cáp quang biển Internet thứ hai. Tuyến cáp quang biển thứ hai ARIMAO của Cuba đã bắt đầu được lắp đặt để kết nối tỉnh miền Trung Cienfuegos của quốc gia Caribê này với đảo Martinique, lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Tuyến cáp dài 2.500km, được kỳ vọng là một giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả giúp mở rộng khả năng liên lạc và tương tác của người dân Cuba với thế giới.

Cuba hiện chỉ có một tuyến cáp quang biển là ALBA-1, nối nước này với Venezuela từ năm 2012.

Việc khởi công lắp đặt tuyến cáp mới ARIMAO diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Bộ Tư pháp Mỹ khuyến nghị không nên lắp đặt tuyến cáp viễn thông dưới biển kết nối Cuba với bang Florida của Mỹ, do lo ngại La Habana có thể "truy cập dữ liệu nhạy cảm".

* Ca mắc COVID-19 tăng cao ở New York. Số ca nhiễm vi rút "tăng đột biến" ở thành phố New York, Mỹ, bao gồm bệnh cúm và các biến thể COVID-19.

Cơ quan y tế New York khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang chất lượng cao trong không gian kín và cả nơi đông người, bao gồm trong các cửa hàng, văn phòng, thang máy và trường học cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng… ngay cả khi đã tiêm phòng COVID-19 hoặc cúm.

Cho tới lúc này, việc đeo khẩu trang ở New York vẫn là tự nguyện, trừ cơ sở chăm sóc sức khỏe như viện dưỡng lão.

Theo báo New York Times, ca mắc COVID-19 mới trong thành phố này đã tăng 55% trong hai tuần qua. Số ca nhập viện tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các trường hợp nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV) tăng đột biến vào đầu mùa thu này và gây nguy cơ đặc biệt cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

* Bản thảo của Charles Darwin đấu giá được 882.000 USD. Một bản thảo dài một trang của "cha đẻ" thuyết tiến hóa Charles Darwin mang về số tiền 882.000 USD trong buổi đấu giá của Sotheby’s vào ngày 9-12.

Theo Đài BBC, với chữ ký của Darwin ở dưới cùng, đây là món đồ đắt nhất của nhà bác học Darwin từng được đấu giá. Bản thảo có nội dung về chọn lọc tự nhiên, do Darwin viết cho ấn phẩm có tên The Autographic Mirror vào tháng 10-1865.

Nhà khoa học người Anh nổi tiếng vì tin rằng tất cả các sinh vật sống đều có nguồn gốc từ một tổ tiên chung và tiến hóa thông qua quá trình mà ông gọi là chọn lọc tự nhiên. Sau khi ông qua đời vào năm 1882, lý thuyết chọn lọc tự nhiên tiếp tục được các nhà khoa học chấp nhận rộng rãi như một phần quan trọng của quá trình tiến hóa.

Làm xiếc trên biển

photo-1

Các vận động viên thể dục biểu diễn trên bãi biển ở Doha, Qatar tuần qua - Ảnh: AFP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại