TIN TỐT LÀNH ngày 19/5: Đã có sự thay đổi lớn về đi lại ở Bộ Tài chính

Phạm Trung Tuyến |

Giảm lãng phí ở những hoạt động công, tăng vai trò của công dân trong các hoạt động vì môi trường, phi thuyền không gian của người Việt, đó là những chỉ dấu lạc quan về tương lai của đất nước.

Phi thuyền không gian của người Việt

Câu chuyện tốt lành đầu tiên trong bản tin hôm nay là thiết bị bay không người lái do thạc sĩ Phạm Gia Vinh chế tạo đã được các cơ quan chức năng Australia cấp phép bay ở tầng bình lưu. (đọc tin chính)

Điều đó có nghĩa là phi thuyền không gian do người Việt chế tạo đã vượt qua những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hàng đầu thế giới để được phép sử dụng trong việc nghiên cứu không gian.

Phi thuyền không gian của Phạm Gia Vinh trước đó đã bay thử nghiệm thành công tại thị trấn Alice Spring, Australia lúc 4 giờ sáng 16/5/2016.

Khí cụ được đưa vào môi trường cận vũ trụ bằng khinh khí cầu. Sau đó, khinh khí cầu sẽ tự ngắt ra khi đến một độ cao định sẵn. Phi thuyền khi đó chịu sự điều khiển từ mặt đất.

Sự kiện này mở ra triển vọng rất lớn trong việc ứng dụng thiết bị để nghiên cứu tầng khí quyển cao, nghiên cứu môi trường, tài nguyên, viễn thông, quốc phòng...

Và điều quan trọng hơn là tạo nên sự tự tin rất lớn đối với những nhà sáng chế Việt Nam trong việc mạnh dạn dấn thân vào những lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao.

TIN TỐT LÀNH ngày 19/5: Đã có sự thay đổi lớn về đi lại ở Bộ Tài chính - Ảnh 1.

Thạc sỹ Vinh và mô hình phi thuyền không gian. Ảnh: VTC News

Bộ Tài chính không đi họp bằng xe công

Các Cục trưởng, Vụ trưởng của Bộ Tài chính từ này sẽ không được sử dụng xe công để đi họp, đi công tác, phải tự túc phương tiện. Đó là tinh thần của quyết định mới được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ 15/5/2017. (đọc tin chính)

Theo đó, tất cả các chức danh từ Cục trưởng, Cục phó, Vụ trưởng, Vụ phó và tương đương ở các Tổng cục và cơ quan tương đương của Bộ Tài chính như Tổng cục Thuế, Hải Quan, Kho bạc… sẽ thay việc đi họp, đi công tác bằng xe công bằng việc tự túc phương tiện với mức khoán 13.000 đồng/km.

Quyết định này đặc biệt có ý nghĩa bởi hiện Bộ Tài chính đang là cơ quan có nhiều xe công nhất, với 2295 ô tô công.

Đây là một con số kinh khủng, bởi nó đồng nghĩa với việc Bộ này có số lượng biên chế lái xe tương ứng.

Với quyết định cắt xe công phục vụ cán bộ cấp Cục, Vụ ở một cơ quan đang sở hữu số lượng xe công khổng lồ cho thấy quyết tâm của cơ quan này nhằm giảm tối đa những khoản chi tiêu phi nghiệp vụ, vốn chỉ phục vụ sự oai của cán bộ.

Hy vọng, những kết quả cụ thể từ quyết định cắt giảm xe công của Bộ Tài chính sẽ sớm được ghi nhận, công bố, tạo động lực để việc khoán xe công sẽ trở thành một chủ trương được áp dụng rộng rãi trong tất cả các đơn vị công.

Khi đó, tác dụng của việc khoán xe công sẽ không chỉ là tiền, mà còn là công bằng xã hội khi đường phố vắng bóng xe công, và thói quen sử dụng phương tiện công cộng không chỉ là lựa chọn của người nghèo.

Người dân mua thú quý để trả lại cho rừng

Nếu như Bộ Tài chính là cơ quan Nhà nước tiên phong trong việc trả lại sự lành mạnh cho chi tiêu công thì những người dân ở Quảng Bình lại tiên phong trong việc trả lại sự đa dạng của môi trường rừng.

Chiều 18/5, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) đã tiếp nhận một con khỉ mặt đỏ từ bà Đinh Thị Nguyệt, một người dân ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH ngày 19/5: Đã có sự thay đổi lớn về đi lại ở Bộ Tài chính - Ảnh 2.

Điều đặc biệt trong câu chuyện này là con khỉ mặt đỏ đã được bà Nguyệt mua lại từ những người săn trộm và chăm sóc đến khi hồi phục, trước khi trao cho Trung tâm cứu hộ.

Việc bỏ tiền mua thú bị săn để trả lại cho rừng của bà Nguyệt không phải là cá biệt.

Từ đầu năm đến nay, người dân ở Quảng Bình đã trao cho Trung tâm cứu hộ 10 cá thể động vật hoang dã. Điều đó cho thấy người dân Quảng Bình có ý thức đối với việc bảo vệ môi trường, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì môi trường.

Hành động cứu hộ động vật hoang dã của người dân Quảng Bình rất cần được lan tỏa như một câu chuyện thiết thực, và có ý nghĩa giáo dục cao đối với ý thức trách nhiệm với môi trường tự nhiên.

Khi mọi người dân đều có ý thức trách nhiệm như bà Đinh Thị Nguyệt, chúng ta có thể tin tưởng rằng sẽ không cần phải có những chiến dịch truyền thông như Save Sơn Đoong hay Save Sơn Trà như hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại