TIN TỐT LÀNH 4/10: "Thưa GS Trí, tôi bị tắc tuyến lệ đã lâu. Tôi biết nước mắt thật, nước mắt giả!"

Bùi Hải |

Bản tin tốt lành hôm nay, tôi chỉ muốn nói về nước mắt: Nước mắt thanh lọc tâm hồn và nước mắt dàn cảnh.

"Không thể yêu cầu ai khóc được"

Tôi đã lần giở rất nhiều comment trên mạng về sự kiện đầy cảm xúc này và đặc biệt chú ý đến một người đã từng nuôi con bị bệnh gần 1 năm tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, hồi GS Trí còn là viện trưởng.

Người mẹ ấy viết: "Thưa GS. Tôi đã khóc hết nước mắt khi nghe tin con bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng rồi sau đó, tôi đã cắn răng không rơi lệ, không mềm yếu, cùng con chiến đấu với trọng bệnh suốt thời gian dài.

Dù thiên thần nhỏ của tôi đã không qua khỏi lưỡi hái của số phận, nhưng tôi vẫn thầm cám ơn những tháng ngày cháu được GS và các y bác sĩ của Viện chăm sóc như người thân.

Con mất, chồng tuyệt vọng quá nên chia tay, đau khổ tận cùng làm tôi tắc tuyến lệ đã lâu. Tôi vẫn nhìn thấy nước mắt thật, nước mắt giả trong xã hội, nhưng tôi đã quên cách rung động.

Hôm nay xem hình ảnh và clip chia tay GS nghi hữu, tự nhiên nước mắt tôi chảy xuống. Thưa GS, anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí, cảm ơn ông đã thông tuyến lệ cho tôi. Cuộc sống vẫn luôn có những điều thật rung động.".

Không chỉ có người mẹ ấy mới xúc cảm như vậy khi nói về GS Trí.(đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH 4/10: Thưa GS Trí, tôi bị tắc tuyến lệ đã lâu. Tôi biết nước mắt thật, nước mắt giả! - Ảnh 1.

GS Trí đã nhận xét về cảnh hàng trăm người xếp hàng chia tay ông, rằng ây không phải dàn cảnh bởi, người ta có thể yêu cầu anh em dàn hàng, vỗ tay nhưng không thể yêu cầu ai khóc được".

GS Trí nói đúng một phần. Ngoài vỗ tay, hô khẩu hiệu, trên thực tế người ta vẫn có thể dàn cảnh khóc lóc được.

Thông thường, số đông sẽ khóc thật khi thần tượng hoặc người thân nằm xuống. Người ta cũng khóc thật trong lễ tưởng niệm những người không may mắn bởi thảm họa.

Khóc thuê trong đám ma, là dàn cảnh khóc 100%. Nước mắt đám đông ở một đất nước độc tài, phần nhiều là giả.

Một vài người khóc khi chia tay sếp thăng chức, chắc chắn có nhiều phần trăm nước mắt giả, bởi tuyến lệ ấy chảy ra từ ham muốn được cất nhắc, từ thông điệp thầm kín: Em trung thành với sếp lắm, "forget me not" – xin đừng quên em.

Khóc để chia tay một người về hưu, một người không còn nắm trong tay quyền lực và sự cất nhắc, như nhiều đôi mắt đỏ hoe, đẫm lệ khi tiễn GS Nguyễn Anh Trí, chắc chắn là nước mắt thật.(đọc tin chính)

Người lái xe, cô điều dưỡng và anh bảo vệ

Có 3 chi tiết khiến người viết xúc động thực sự về tình cảm của nhân viên đối với GS Trí.

Chi tiết thứ nhất là tình cảm của người lái xe cho GS Trí. Trước khi sếp mình nghỉ hưu một tháng, anh đã rất buồn, nhưng không dám khóc. Chỉ đến ngày ông chính thức nghỉ, anh mới nhắn tin xin phép được khóc cho nhẹ lòng.(đọc tin chính)

Với không ít người khác, lái xe chỉ là nhân viên phục vụ. Nhưng nhân viên phục vụ đó, lại biết rõ nhất tật xấu, tính xấu của sếp.

Ngạn ngữ phương Tây có câu rất hay "không có vĩ nhân dưới con mắt người hầu phòng". Chúng ta không thể che dấu được khiếm khuyết với người tiếp xúc trực tiếp, cận kề hàng ngày.

Thế nhưng, sự xúc động của người lái xe, ít nhất cho thấy, GS Trí đã sống tử tế với anh và về phần nào đó, ông tiếp tục là idol trong lòng anh.

Chi tiết thứ hai, là giọt nước mắt giấu kín của Bùi Bích Ngọc, một nhân viên khoa dinh dưỡng.

TIN TỐT LÀNH 4/10: Thưa GS Trí, tôi bị tắc tuyến lệ đã lâu. Tôi biết nước mắt thật, nước mắt giả! - Ảnh 2.

Ngọc bảo, khi nhiều người lên phòng GS chào, cô đã không dám lên "vì sợ sẽ khóc trước mặt chú". Nhưng khi thấy đồng nghiệp báo tin, phòng của chú Trí đã dọn dẹp, đóng đồ chuyển đi, cổ cô nghẹn ứ.

Và Ngọc chỉ rơi nước mắt khi ngồi trước phóng viên, nói về người sếp cũ của mình.(đọc tin chính)

Chi tiết thứ ba, là gương mặt méo xệch nghẹn ngào của người bảo vệ Viện Huyết học, lúc bắt tay chào Viện trưởng.

Có thể nói, trong mắt người đời, bảo vệ và thủ trưởng, luôn có khoảng cách xa nhất: Người ở trên cùng – người ở dưới cùng.

Có lẽ GS Trí đã biết cách biến khoảng cách hành chính cứng nhắc giữa ông với anh lái xe, cô nhân viên điều dưỡng, người bảo vệ, thành một không gian có nhiều "mệnh lệnh từ trái tim" ấm áp.(đọc tin chính)

Ca trực cuối cùng và chuyện ‘cụ lớn mả"

Khi nhìn những gương mặt đỏ hoe trong buổi chia tay GS Trí, tôi nhớ đến một nhân vật cũng từng được bầu chọn là công dân ưu tú Thủ đô, giống GS Trí. Đó là thượng tá CSGT Lê Đức Đoàn.

Buổi làm việc cuối cùng của thượng tá đoàn, cũng để lại bao nhiêu cảm xúc và tiếc nuối cho không chỉ người Hà Nội. 18h tối ngày 31.10.2014, thượng tá Đoàn hoàn thành ca trực cuối cùng trong đời.

Ông đã bật khóc khi phải rời chỗ đứng phân làn quen thuộc suốt 20 năm qua, tại cầu Chương Dương, Hà Nội.

Bức ảnh nước mắt ấy đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và gây xúc động sâu sắc.

Trong đời làm bác sĩ, những người được GS Trí cứu sống, kéo dài sự sống chắc chắn không đếm nổi (vì ông còn là chủ xướng của các phong trào hiến máu nhân đạo).

Trong đời làm CSGT của mình, thượng tá Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao thông và đã cứu được tới 40 người đang tự tử.

Nghề nào cũng có thể mang lại nước mắt thanh lọc tâm hồn, truyền cảm hứng cho đồng loại, nếu có những người cao quý như Thượng tá Đoàn, GS Trí.

Chỉ tiếc, trên đời vẫn không thiếu những vị mà ngày nghỉ hưu, là ngày nhân viên thở phào như trút được gánh nặng.

Chỉ tiếc, vẫn có nhiều trường hợp mà hoàng hôn nhiệm kỳ vơ vét, phá phách của họ, chất thêm lên gò má xã hội giọt những giọt nước mắt cay đắng.

Chỉ tiếc, nước mắt cá sấu vẫn biết cách chảy rỉ rả đâu đó trong buổi kiểm điểm, trên vành móng ngựa.

76 năm trước, trong truyện ngắn Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã nói đến một ý rất hay: Ai giàu sang, làm ông to bà lớn, khi chết rồi cũng thành cái mả, cái mả bằng đất, chứ chả ai gọi là "cụ lớn mả".

Chỉ mong, những giọt nước mắt tốt lành trong cuộc chia tay của GS Trí, thượng tá đoàn, sẽ đánh thức, dù chỉ là một chút nơi ý thức của chúng ta: Hãy làm những thứ tử tế cho người khác, cho cộng đồng, khi chúng ta vẫn - còn - đang - sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại