TIN TỐT LÀNH 20/12: Cơ chế chống trơ trẽn và chữ "giá như" của ông Thăng, "nếu như" của ông Bảo

Bùi Hải |

Mất chức, mất quyền, mất tiền chưa phải là mất tất cả. Khi một người nhúng chàm, có những thứ mất đau đớn hơn nhiều.

Lá đơn không hẹn ngày trở lại

Bi kịch lớn nhất của GĐ Sở trẻ tuổi Lê Phước Hoài Bảo, không phải là mất đi chiếc ghế quyền lực. Điều sẽ còn đeo đẳng cả đời, chính là cách nhìn của xã hội về năng lực và phẩm chất của anh ta.

Khi nhận trách nhiệm (trách nhiệm của một ủy biên Ban thường vụ Tỉnh ủy) về việc bổ nhiệm Hoài Bảo, cựu Bí thư Hội An Nguyễn Sự, đã nhận xét: Công bằng mà suy xét, sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Bảo sống hài hòa, làm việc "ngay ngắn", được nhiều người đánh giá cao.

Không ít người biết ông Bảo thông thạo ngoại ngữ, tốt nghiệp thạc sĩ ở trường ĐH uy tín tại Hoa Kỳ. Tóm lại là một người có năng lực.

Nếu không đi tắt thì dù chưa lên được GĐ Sở ở tuổi 30, Lê Phước Hoài Bảo vẫn có thể gặt hái được nhiều thành công.

Nhưng giờ đây, lá đơn xin nghỉ phép không ghi ngày về của Lê Phước Hoài Bảo sau khi nghe tin mình bị xóa khỏi danh sách đảng viên, đã báo hiệu đường quan lộ của Bảo sẽ phải dừng lại một thời gian dài.

Từ một người có năng lực thực sự, trong con mắt xã hội, Bảo trở thành một người dựa dẫm, gian dối, núp bóng quan lớn. Điều này khiến mọi việc về sau mà Bảo làm, đều gặp khó.

Nếu như mấy năm trước, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh nghĩ trước, nghĩ xa cho con mình, không vun vén gia đình, thì giờ đây ông đã không phải xót xa xin cơ hội sửa sai cho con trai mình: "Nếu Hoài Bảo bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên thì cuộc đời không còn gì".

Sao lại không còn gì?

Với rất nhiều người, không còn ghế thì vẫn còn bao cơ hội để làm lại.

Không là đảng viên thì vẫn có thể là công dân tốt, doanh nhân tốt.

"Mất chức không phải là mất tất cả. Bao nhiêu người không có chức vẫn sống hạnh phúc" – nhiều độc giả đã comment như vậy khi đọc tin ông Thanh xót xa cho con.

Nếu như ông Thanh và nhiều ông khác nghĩ trước được điều ấy, thì ông đã không bằng nhiều cách trải thảm cho đứa con có cái tên rất tốt lành nhưng lại sớm phải dừng quan lộ khi còn quá trẻ. (đọc tin chính)

TIN TỐT LÀNH 20/12: Cơ chế chống trơ trẽn và chữ giá như của ông Thăng, nếu như của ông Bảo - Ảnh 1.

Trong lời cuối cùng, TGĐ Nguyễn Minh Hùng của VN Pharma – cty buôn bán thuốc ung thư giả - cũng đã thốt lên một câu tương tự: "Cuộc đời bị cáo không biết rồi sẽ như thế nào... Suốt hơn 2 năm rưỡi bị bắt tạm giam, gia đình bị cáo đã mất đi tất cả".

Nếu như, khi bán những viên thuốc giả, Hùng nghĩ nhiều đến hành vi của mình có thể tước đoạt tất cả tiền bạc và cả hy vọng sống cuối cùng của người bệnh, biết đâu Hùng sẽ chùn tay.

Chế tài lương tâm

Bi kịch lớn nhất của ông Đinh La Thăng là ông đã có một thời làm một tư lệnh năng động và tạo cảm hứng cho nhiều người.

Nói như tướng Lê Văn Cương, việc bắt ông Thăng là điều buồn với đồng chí, đồng đội của ông. Chẳng ai vui gì, nhưng phải làm vì công ra công, tội ra tội. (đọc tin chính)

Vi phạm quá lớn của ông, không chỉ ảnh hưởng đến tiền thuế của người dân, mà còn góp phần làm suy giảm lòng tin của họ vào những cơ quan công quyền.

Nhiều năm nữa, ông Thăng sẽ không còn đau nữa về chuyện mất chức. Cái ông mất lâu dài hơn là mất hết nhựa sống và sự thanh thản. Nếu không thanh thản sống, mọi thứ khác đều là đồ thừa.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan đang thực thi công lý một cách quyết liệt, kể rằng ông Đinh La Thăng đã nói: Giá như các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy. (đọc tin chính)

Chữ "giá như" ông Thăng dùng cũng có phần đúng, nhưng rõ ràng chưa đủ.

Vẫn biết là ở vị trí càng cao, càng nhiều cám dỗ về quyền lực, vật chất, đệ tử, danh tiếng, càng lớn. Vì thế cần có những thiết chế đủ sáng suốt để phát hiện nhũng nhiễu và chế tài đủ nghiêm minh để răn đe người sai phạm.

Nhưng chế tài có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, mà mỗi người thiếu một lối sống tử tế, trách nhiệm, thiếu "chế tài lương tâm", thì sớm hay muộn họ cũng sẽ thốt lên chữ "giá như" đầy cay đắng.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân – không hiếm người thường rao rảng điều ấy, nhưng khi sa cơ, lại đổ toàn bộ lỗi cho tập thể, cơ chế.

Nếu như những người quanh năm đi lễ bái, hầu đồng, xin lộc, tạ lễ nghĩ được rằng: Đã tin tâm linh, thì phải tin nhân quả. Làm bậy, làm lợi cho mình, hại cho người, làm sao có nghiệp tốt?

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà đã có một phát biểu dữ dội về độ trơ trẽn của một vài lãnh đạo tỉnh: "Bí thư làm như thế này, Chủ tịch làm thế này, không thấy ngượng hay sao ấy, có vẻ trơ quá" (đọc tin chính)

Nếu như, các vị đầu tỉnh ấy, có thể chưa cần quá giỏi giang, chỉ cần biết ngượng, biết xấu hổ trước những hành vi không đúng, tự xác lập cơ chế chống trơ trẽn, thì chắc chắn họ đã có thể đóng góp tốt hơn rất nhiều.

Một người vướng vòng lao lý, luôn là tin không tốt lành. Nhưng chữ "giá như, nếu như" mà họ thốt ra trong lúc cay đắng nhất, lại có thể trở thành tiếng chuông rung vang, lay động một cách tích cực, cảnh tỉnh biết bao nhiêu người khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại