Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS
* Ông Blinken và ông Vương Nghị bàn về Đài Loan. Ngày 23-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng việc duy trì hòa bình và ổn định đối với Đài Loan là cực kỳ quan trọng.
Đài Loan là tâm điểm của cuộc hội đàm "trực tiếp và trung thực" kéo dài 90 phút giữa ông Blinken và ông Vương Nghị bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), theo Hãng tin Reuters.
Ngoài ra, ông Blinken cũng nêu bật những tác động nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Giới chức Mỹ từng nói họ không thấy bằng chứng nào về việc Bắc Kinh hỗ trợ như vậy cho Matxcơva.
* Thái tử Saudi thảo luận an ninh năng lượng với các quan chức cấp cao Mỹ. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có cuộc thảo luận về an ninh năng lượng với cố vấn cấp cao của Mỹ về an ninh năng lượng - ông Amos Hochstein, và điều phối viên chính sách Trung Đông thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng - ông Brett McGurk, tại thành phố Jeddah, Saudi Arabia.
Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia SPA cho biết hai bên đã thảo luận về quan hệ song phương hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh năng lượng và đầu tư, cũng như sự phát triển trong khu vực.
* Lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc nói về thỏa thuận AUKUS. Trong tuyên bố đánh dấu một năm thỏa thuận an ninh AUKUS vào ngày 23-9, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc cho biết họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
AUKUS được coi là một nỗ lực của các đồng minh phương Tây nhằm đẩy lùi sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, theo Hãng tin Reuters.
* Phó tổng thống Mỹ thảo luận về an ninh Đài Loan tại châu Á. Ngày 23-9, một quan chức cấp cao trong chính quyền Washington cho biết Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thảo luận về an ninh Đài Loan trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc khi bà đến thăm khu vực này vào tuần tới.
Các cuộc gặp nói trên giữa bà Harris và các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, theo Hãng tin Reuters. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng mạnh với tuyên bố của ông Biden.
* Ecuador thử nghiệm trồng lại san hô để phục hồi hệ sinh thái. Công viên quốc gia Galapagos của Ecuador đang thử nghiệm các phương pháp trồng lại san hô khác nhau trong nỗ lực khôi phục các hệ sinh thái dưới nước dễ bị tổn thương, theo Hãng tin Reuters ngày 23-9.
Kể từ năm 2020, họ đã thử nghiệm trồng san hô trên các bề mặt khác nhau như gạch, xi măng hoặc buộc san hô lại với nhau và xâu chuỗi trên khung kim loại, nuôi trong vườn ươm trước khi đưa xuống đáy biển.
Sự chết dần của các rạn san hô ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp thức ăn cho các sinh vật biển, và được coi là một hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Người biểu tình phản đối Chính phủ Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini - Ảnh: REUTERS
* Liên Hiệp Quốc kêu gọi Iran không sử dụng vũ lực "không cần thiết" trong các cuộc biểu tình. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các lực lượng an ninh Iran kiềm chế việc sử dụng "vũ lực không cần thiết" chống lại các cuộc biểu tình phản đối chính phủ sau cái chết của một phụ nữ bị cảnh sát giam giữ, theo Hãng tin AFP.
Ông Guterres đã nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ngày 23-9, Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ lo ngại về các báo cáo liên quan đến việc sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình ôn hòa ở Iran, dẫn đến hàng chục người chết và bị thương.
Biểu tình nổ ra trên khắp Iran sau cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, khi cô bị cảnh sát giam giữ do "mặc trang phục không phù hợp".
* Mỹ không điều chỉnh hoạt động hạt nhân sau bình luận của ông Putin. Ngày 23-9, Nhà Trắng cho biết Mỹ không thấy lý do nào để điều chỉnh hoạt động hạt nhân sau bình luận gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Chúng tôi rất coi trọng những mối đe dọa đó. Tuy nhiên chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh hoạt động hạt nhân vào lúc này", thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.
Trước đó, ông Putin đã ám chỉ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đất nước khi tuyên bố sẽ "sử dụng tất cả phương tiện sẵn có để chống lại mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của mình".
* Ukraine giảm đáng kể sự hiện diện ngoại giao của Iran. Ngày 23-9, Kiev cho biết họ sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Tehran sau khi Iran quyết định cung cấp máy bay không người lái cho các lực lượng Nga, theo Hãng tin AFP.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói cho đến nay, tổng cộng tám máy bay không người lái do Iran sản xuất đã bị Ukraine bắn hạ trong cuộc xung đột ở nước này. Ukraine và Mỹ cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo đó, Ukraine sẽ giảm đáng kể số lượng nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Iran tại Kiev.
Quân nhân của nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga phải trả giá vì các cuộc trưng cầu ý dân "giả tạo". Ngày 23-9, Tổng thống Joe Biden cảnh báo Matxcơva sẽ phải trả giá "nhanh chóng và nghiêm trọng" nếu nước này sử dụng các cuộc trưng cầu ý dân "giả tạo" để sáp nhập thêm lãnh thổ của Ukraine.
"Các cuộc trưng cầu ý dân của Nga là một sự giả tạo, một cái cớ giả tạo để cố gắng thôn tính các vùng của Ukraine bằng vũ lực, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế", Tổng thống Biden nói. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết nước này sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để áp đặt thêm trừng phạt kinh tế với Nga, theo Hãng tin AFP.
Cùng ngày, nhóm các nước G7 cũng lên án các cuộc trưng cầu ý dân "giả tạo" của Nga, khẳng định G7 sẽ không bao giờ công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân này, theo Hãng tin Reuters.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói sẽ tăng cường giúp đỡ Kiev phản ứng lại các cuộc trưng cầu ý dân của Nga tại các vùng lãnh thổ Ukraine.
* EU yêu cầu Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo về thiệt hại cơ sở hạ tầng Ukraine. Ngày 23-9, Liên minh châu Âu (EU) đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc yêu cầu cơ quan này công bố báo cáo thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng viễn thông ở Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự bảy tháng trước.
Hồi tháng 4, các thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) của Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết hỗ trợ Ukraine xây dựng lại hạ tầng viễn thông do bị tàn phá bởi chiến tranh. Nghị quyết cũng quyết định thực hiện đánh giá về tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với chương trình và hoạt động của ITU trong khu vực, và cung cấp báo cáo đánh giá về vấn đề đó.
Tuy nhiên, đến nay ITU vẫn chưa đưa ra báo cáo, theo Hãng tin AFP. Trong bản cập nhật thông tin hồi tháng 7, ITU cho biết 20 trung tâm truyền hình tại Ukraine được báo cáo hoặc xác nhận là bị phá hủy, 50 khu định cư không có dịch vụ truyền hình và phát thanh. Chỉ bốn tháng đầu tiên của chiến dịch quân sự, 796 vụ tấn công mạng nhằm vào Ukraine đã được báo cáo.
Biểu tình vì khí hậu tại Indonesia
Các nhà hoạt động môi trường đeo mặt nạ, mang biểu ngữ trong một cuộc biểu tình của chiến dịch Đình công vì khí hậu toàn cầu (Global Climate Strike) tại thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS