Tin rất xấu: Từ 2021 - 2025 sẽ có một năm nóng bậc nhất lịch sử loài người, nếu như chúng ta không làm điều gì để thay đổi

J.D, |

Nắng nóng kỷ lục bậc nhất lịch sử từ năm 2021 đến năm 2025, nếu như chúng ta không làm điều gì để thay đổi.

Biến đổi khí hậu và Trái đất nóng lên đã là vấn đề nổi cộm của nhân loại trong nhiều thập kỷ qua, với vô số những kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Và có vẻ như, câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần.

Cụ thể theo như báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đến 90% khả năng sẽ có một năm nóng kỷ lục lịch sử nhân loại trong giai đoạn 2021 - 2025. Kỷ lục này vốn được thiết lập vào năm 2016 - thời điểm có hiện tượng El Nino, và đến nay vẫn chưa bị phá vỡ.

Tin rất xấu: Từ 2021 - 2025 sẽ có một năm nóng bậc nhất lịch sử loài người, nếu như chúng ta không làm điều gì để thay đổi - Ảnh 1.

Ngoài ra cũng theo báo cáo, sẽ có 40% khả năng nhiệt độ trên thế giới vượt quá mức giới hạn mà Hiệp định Paris về Phòng chống Biến đổi khí hậu đề ra trong 5 năm tới đây.

Được biết Hiệp định Paris được ký kết vào năm 2016, với mục tiêu giảm được lượng khí thải nhà kính nhằm ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời đặt giới hạn gia tăng chỉ 1,5ºC. Theo WMO, các nhà hoạt động khí hậu đang yêu cầu có những biện pháp khẩn cấp, để giữ cho đà tăng trưởng nhiệt độ không đi quá xa.

Tin rất xấu: Từ 2021 - 2025 sẽ có một năm nóng bậc nhất lịch sử loài người, nếu như chúng ta không làm điều gì để thay đổi - Ảnh 2.

Trong giai đoạn giữa 2021 - 2025, các vùng ở vĩ độ cao dễ phải đối mặt với mưa lớn, và nhiều khả năng phải đối mặt với bão nhiệt đới từ Đại Tây Dương so với trước kia. Các số liệu này được đánh giá là cực kỳ hữu ích cho những người đứng đầu ra quyết định.

"Nó không chỉ là những con số," - Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. "Nhiệt độ gia tăng nghĩa là băng tan nhiều hơn, nước biển dâng lên, nhiều đợt sốc nhiệt hơn, nhiều hiện tượng cực đoan hơn, và gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thực phẩm, sức khỏe, môi trường và sự phát triển bền vững của nhân loại."

"Nghiên cứu này cho thấy chúng ta đang ngày càng chạm đến mốc mà Hiệp định Paris đề ra. Đây là một lời cảnh tỉnh, rằng thế giới cần nhanh chóng cam kết giảm tải lượng khí nhà kính và đạt mốc carbon phát thải trung tính," - Taalas nói thêm. "Các công cụ kỹ thuật hiện đã có thể giúp lần về nguồn gốc của lượng khí thải ra, nghĩa là sẽ có các mục tiêu cụ thể và chính xác hơn."

Năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất lịch sử - theo số liệu từ WMO. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã ở mức 1,2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cho thấy tốc độ gia tăng của các chỉ số quan trọng như mực nước biển, băng tan, khí hậu cực đoan... đang tăng nhanh.

Với những dữ kiện ấy, WMO cho rằng các cuộc đàm phán về khí hậu cần phải nhanh chóng hoàn tất, nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát.

Nguồn: WMO


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại