Lớp cát cao đến mắt cá chân chắn ngang lối vào ngôi nhà mới. Đẩy xe đạp qua sân khó khăn như đi trong bùn lầy. Phần "hồ" của Miêu Miêu hồ thôn hóa ra chỉ là một ốc đảo tí hon, cách dãy nhà bê tông lạnh ngắt gần 2 cây số.
Bác sĩ Ma Shiliang là một trong số 7.000 người Hồi di dân đến vùng này theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc, với lời hứa hẹn rằng họ sẽ nhanh chóng giàu sang. Thế nhưng, thay vì chăn cừu và dê trên những ngọn đồi tít tắp như trước kia, họ cảm thấy như thú vật bị nhốt trong chuồng, sống không mục đích và không có tương lai.
"Nếu chúng tôi biết trước rằng sẽ ra nông nỗi này, thì chúng tôi đã không chuyển tới đây," bác sĩ Ma 41 tuổi cho biết. Ông vẫn chưa tìm được việc đúng chuyên môn tại Miêu Miêu hồ thôn, và cũng chẳng có việc làm gì ổn định.
Mặc dù không được bổ nhiệm làm bác sĩ chính thức của Miêu Miêu hồ thôn, bác sĩ Ma (trái) vẫn thăm khám cho người dân với mức phí tượng trưng hoặc miễn phí. Ảnh: NYTimes
Trung Quốc gọi họ là "dân di cư sinh thái": 329.000 người do chính phủ di chuyển từ những vùng đất bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, chính sách kém cỏi và sinh hoạt con người đến 161 ngôi làng được xây dựng gấp gáp như Miêu Miêu hồ thôn.
Họ chính là làn sóng di dân thứ năm, trong khuôn khổ kế hoạch cải thiện môi trường và xóa đói giảm nghèo đã di chuyển tới 1.14 triệu cư dân vốn thuộc khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, vùng đất của đụn cát, nhà thờ Hồi giáo và lạc đà dọc Con đường Tơ lụa cổ xưa.
Phó giám đốc chương trình di dân Han Jinlong cho biết, đây chính là dự án di dân vì môi trường lớn nhất thế giới. Miêu Miêu hồ thôn là một trong số những vùng tái định cư do chính phủ thiết lập.
Trung Quốc luôn vật lộn với tình trạng suy thoái đất và thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bao gồm hạn hán ở phía bắc. Thế nhưng việc tái định cư hàng loạt cũng ẩn chứa nhiều vấn đề nhức nhối, như gia đình bác sĩ Ma và những hàng xóm của ông.
Gia đình 11 người phải sống chen chúc trong ngôi nhà 54m2 với 2 phòng ngủ. Bác sĩ Ma phải dựng một phòng tạm bằng nhựa ngoài sân cho bố mẹ ở. Mỗi gia đình phải trả khoản "lệ phí tái định cư" 2.100 đô la Mỹ, và những ai được cấp đất để canh tác lại phải cho một công ty nông nghiệp thuê. Họ chỉ còn lại khoảng sân tí hon trước cửa nhà; nơi bác sĩ Ma trồng vài cây ớt.
Không chỉ vậy, các quan chức đã duyệt thiết kế nhà đặt bệ xí chung phòng với nhà tắm - một sự sỉ nhục đối với người Hồi. Bác sĩ Ma phải đào hố vệ sinh ngay sân trước vì chẳng còn chỗ nào.
Gia đình bác sĩ Ma trong nơi ở chật hẹp. Ảnh: NYTimes
Lời hứa của Thủ tướng Trung Quốc và thực tế phũ phàng
Tình trạng thiếu việc làm trầm trọng cũng khiến một số người quyết định chống lại chính quyền, lựa chọn ở lại quê hương. Nhưng chính quyền đã kéo sập nhà của những người đã rời đi, và trừng phạt bất kỳ ai còn ở lại bằng cách từ chối hỗ trợ cải tạo nhà, không cấp đường ống nước và trợ cấp nuôi gia súc.
Ông Wang Lin, 48 tuổi và đang chịu cảnh thất nghiệp giống phần lớn người di cư tại Miêu Miêu hồ thôn, cho hay: "Chưa có ai quay về, nhưng mọi người đang bàn tán cả rồi. Chúng tôi có thể canh tác trên đất ở đó. Không còn nhà thì đào hang sống cũng được."
Theo trang web của chính phủ Trung Quốc, khi thủ tướng Lý Khắc Cường viếng thăm Ninh Hạ hồi tháng 2, ông nói với cư dân nơi đây rằng "đưa người nghèo ra khỏi vùng đất khắc nghiệt chính là cách xóa đói giảm nghèo,"
Điều đáng nói là một phần ba số dân Ninh Hạ thuộc dân tộc Hồi. Một số học giả phương Tây cho rằng loạt chính sách di dân của Trung Quốc thực sự nhằm mục đích kiểm soát các dân tộc thiểu số, nhưng chính quyền đã che đậy bằng cái cớ bảo vệ môi trường.
Trong khi người di cư khốn khổ tìm việc, chính phủ hứa hẹn sẽ trả cho mỗi nhân khẩu 195 nhân dân tệ (khoảng 29 đô la Mỹ) mỗi năm nếu họ cho thuê đất. Bác sĩ Ma cho hay, gia đình ông vẫn chưa nhận được khoản tiền trên sau khi năm đầu tiên trôi qua.
Ông Ma Shixiong bên ngôi nhà đã bị kéo sập của bác sĩ Ma ở làng cũ. Ảnh: NYTimes
Tại nơi ở cũ, đại gia đình bác sĩ Ma có cuộc sống tương đối thoải mái trong những ngôi nhà vườn rộng rãi. Thế nhưng gia đình ông đã bị chia cắt, khi người em trai Ma Shixiong chọn cách ở lại ngôi làng cũ, còn bác sĩ Ma và bốn người anh em khác lên xe tới Miêu Miêu hồ thôn theo lệnh của chính phủ.
So với những ngôi nhà lạnh ngắt 54m2 cho 7 người ở, nơi ở của gia đình ông Ma Shixiong rộng 300m2 to đẹp như tòa lâu đài. Nhưng chính phủ đã cố tình lãng quên họ. Dường như nơi đây chỉ còn toàn nhà ma, các gia đình hoàn toàn bị xóa sổ.
Người dân than phiền về sự phớt lờ của chính quyền địa phương, họ nói rằng "nơi đây chỉ là xã hội cổ lỗ vì không còn ai quan tâm đến chúng tôi".
Ông Ma Shixiong bày tỏ ao ước một ngày bác sĩ Ma và những người anh em khác của ông sẽ quay về làng cũ. Nhưng điều đó thật sự bất khả thi.