Tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn coi Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại

Hà Linh |

Mỹ vào ngày 22/3 công bố nhà cựu ngoại giao cấp cao Joseph Yun sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với 3 quốc đảo nhỏ Thái Bình Dương mang tầm quan trọng chiến lược.

Tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn coi Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại - Ảnh 1.

Ông Joseph Yun phát biểu trong một sự kiện tại Thái Lan năm 2017. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận việc bổ nhiệm ông Joseph Yun, từng là cựu đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama và Donald Trump.

Đây được coi là tín hiệu cho thấy Mỹ vẫn coi đối trọng với Trung Quốc là ưu tiên bất chấp xung đột Nga-Ukraine hiện nay.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Vì tính chất quan trọng của các cuộc đàm phán này, Tổng thống Biden đã chỉ định đại sứ Joseph Yun là đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống về đàm phán. Chúng tôi hiện tham gia vào đàm phán sửa đổi một số điều khoản của thỏa thuận Hiệp hội tự do với quần đảo Marshall, Micronesia và đảo quốc Palau. Việc hoàn thiện đàm phán là ưu tiên với chính quyền hiện nay”.

Các điều khoản trong thỏa thuận Hiệp hội tự do dự kiến hết hiệu lực vào năm 2023 đối với Marshall và Micronesia còn Palau là năm 2024. Nhiều nhà bình luận cho rằng trì hoãn trong việc gia hạn các điều khoản có thể coi là mất quyền lợi đáng kể đối với Mỹ ở thời điểm Trung Quốc nỗ lực tiếp cận về kinh tế tại 3 quốc đảo này.

Đàm phán gia hạn đã khởi động từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đại sứ của quần đảo Marshall tại Mỹ Gerald Zackios trong tháng 2 cho biết các cuộc đàm phán đã đóng băng bởi Washington không thể chỉ định một người đàm phán được ủy quyền bởi Tổng thống Biden để thảo luận về các vấn đề then chốt, trong đó có sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ và giảm thiểu biến đổi khí hậu…

Đại diện của các đảo quốc đánh giá hỗ trợ tài chính của Mỹ chưa cân xứng với nghĩa vụ của nước này, đặc biệt là về Marshall, nơi quân đội Mỹ tiến hành 67 vụ thử vũ khí hạt nhân trong giai đoạn từ 1946-1958. Người dân quần đảo Marshall đến nay vẫn chịu tác động từ môi trường và sức khỏe liên quan đến những vụ thử hạt nhân trong quá khứ. Tuy nhiên, Mỹ cho biết vấn đề đã được giải quyết trong những thỏa thuận trước với Marshall.

Đại sứ Gerald Zackios vào ngày 22/3 cho biết Marshall hoan nghênh việc chỉ định ông Joseph Yun và mong đợi nối lại các thảo luận quan trọng.

Ông Joseph Yun trong khi đó cho biết lấy làm vinh dự khi được giao trọng trách này. Kể từ khi rời chính phủ, ông Joseph Yun đảm nhận vai trò cố vấn cho công ty cố vấn Asia Group.

Trung Quốc trong thời gian qua đã đưa ra nhiều đề nghị về kinh tế với các đảo quốc Thái Bình Dương, tập trung vào du lịch, thương mại. Marshall, Micronesia và Palau đều có quan hệ với Trung Quốc và tham gia vào sáng kiến Vành đai, Con đường.

Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng xung đột Nga-Ukraine sẽ không chuyển hướng Mỹ khỏi các mục tiêu ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng những khủng hoảng địa chính trị trong quá khứ từng làm suy yếu nỗ lực của Mỹ tái tập trung vào châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại