Tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt: Vắc-xin COVID-19 khiến cơ thể người nhiễm từ và phát sóng Bluetooth

THANH LONG |

Cơ quan xác minh của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ (PIB Fact Check) ngay lập tức đã vào cuộc để tìm hiểu về các thông tin này. Và họ cho biết: "Những tuyên bố như vậy về vắc-xin COVID-19 là vô căn cứ. Vắc-xin không thể gây ra phản ứng từ tính trong cơ thể người".

Một số trang tin tại Ấn Độ mới đây cho biết chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của họ vô tình đã đem lại siêu năng lực cho ít nhất 3 người đàn ông. Cụ thể, một người ở thủ đô New Delhi, và hai người khác ở bang Maharashtra bất ngờ có khả năng hút các đồ vật bằng sắt sau khi tiêm mũi thứ hai của vắc-xin AstraZeneca.

Arvind Sonar, một công dân tại thành phố Nashik, tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ khẳng định với tờ The Times of India người mình đã nhiễm từ mạnh dưới tác dụng phụ của vắc-xin. Để minh chứng, Sonar đã quay một video cho thấy đồng xu, dĩa và thìa sắt có thể dính chặt vào cơ thể:

Người đàn ông Ấn Độ khẳng định người mình nhiễm từ sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

Cơ quan xác minh của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ (PIB Fact Check) ngay lập tức đã vào cuộc để tìm hiểu về các thông tin này. Và họ cho biết: "Những tuyên bố như vậy về vắc-xin COVID-19 là vô căn cứ. Vắc-xin không thể gây ra phản ứng từ tính trong cơ thể người".

Vắc-xin COVID-19 không thể khiến cơ thể người nhiễm từ

Trên thực tế, da người có thể tiết ra một số loại bã nhờn có độ dính cao, và việc một cái thìa hay một đồng xu có thể dính trên cơ thể sau đó không có gì là khó hiểu – ngay cả khi các đồ vật này không được làm bằng sắt.

Và để phản bác lại toàn bộ giả thuyết vắc-xin COVID-19 có thể khiến máu của bạn nhiễm từ, một kỹ sư điện người Canada, người sở hữu kênh Youtube ElectroBOOM với 4,53 triệu lượt Subcribe, đã làm một video giải thích tại sao điều đó hoàn toàn vô lý và không thể xảy ra:

Kỹ sư người Canada chứng minh tại sao vắc-xin COVID-19 không thể khiến bạn nhiễm từ

Kỹ sư người Canada cho biết vắc-xin COVID-19 không hề chứa hạt từ. Mà anh giả thiết nếu toàn bộ liều vắc-xin là các hạt từ đi chăng nữa, nó cũng không đủ mạnh để biến cơ thể bạn thành một nam châm khổng lồ.

"Nhưng nếu chúng thực sự mạnh được vậy thì sao?", ElectroBOOM tự hỏi. "Các hạt từ tính mạnh sẽ kết tụ lại với nhau trong động mạch của bạn, chúng sẽ kéo các cơ quan nội tạng lại với nhau. Tỷ lệ tử vong của bạn là 100%", anh kết luận.

Tin giả được lan truyền bởi cả các bác sĩ

Đầu tuần này, giả thuyết vắc-xin COVID-19 khiến người tiêm nhiễm từ cũng đã khiến Ủy ban Y tế Hạ viện Mỹ ở bang Ohio phải tổ chức một phiên điều trần. Joanna Overholt, một y tá ủng hộ giả thuyết đã cố gắng lấy chính cơ thể mình làm bằng chứng cho việc đó.

Cô ấy đặt một chiếc chìa khóa lên ngực mình và với độ nghiêng và ma sát da ở đó, nó đã dính lại. "Hãy giải thích cho tôi đi, tại sao chiếc chìa khóa dính vào tôi được", Overholt nói một cách tự tin trước khi đặt nó lên cổ. Lần này, chiếc chìa khóa đã liên tục rơi xuống khiến chính cô ấy cũng phải bối rối:

Joanna Overholt tại phiên điều trần trước Ủy ban Y tế Hạ viện Mỹ ở bang Ohio

Overholt trích dẫn giả thuyết này từ Sherri Tenpenny, một bác sĩ ở Ohio, nhưng Tenpenny từng được liệt vào một danh sách đen những người hay đưa ra thông tin sai lệch về vắc-xin trên internet.

Đáng nói là cả Overholt và Tenpenny đều được đào tạo về y tế và được cấp bằng cấp y tá và bác sĩ chính thức tại Mỹ. Điều này khiến cho một số người tự hỏi tại sao họ lại có thể tốt nghiệp trường y và làm việc trong hệ thống y tế Mỹ.

"Nếu phải đi viện, tôi mong sẽ không bao giờ gặp phải y tá này", một người dùng mạng xã hội chia sẻ sau khi xem clip.

Và vắc-xin cũng không thể khiến cơ thể bạn phát sóng Bluetooth

Tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt: Vắc-xin COVID-19 khiến cơ thể người nhiễm từ và phát sóng Bluetooth - Ảnh 2.

Các thuyết âm mưu kỳ lạ liên quan đến vắc-xin COVID-19 thường lợi dụng môi trường mạng xã hội để lây lan nhanh chóng. Trở lại cuối tháng 5, một video được chia sẻ trên nền tảng Naver Blog của Hàn Quốc cũng tuyên bố vắc-xin COVID-19 có thể khiến cơ thể bạn phát sóng Bluetooth.

Trong đó, một người dùng mạng xã hội tuyên bố: "Các thiết bị điện tử nhận ra một người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 như một thiết bị khác có chức năng Bluetooth. Chúng ghép đôi bạn và hiển thị tên bạn là ‘AstraZeneca’".

Trên thực tế, các chuyên gia y tế đều bác bỏ thông tin này và nói nó hoàn toàn sai sự thật. Giải thích lý do về chiếc điện thoại có thể phát hiện thiết bị có tên "AstraZeneca", các chuyên gia nói rằng đó không phải là người được tiêm. Bất cứ ai cũng có thể đổi tên thiết bị Bluetooh trong phần cài đặt điện thoại của mình, do đó, nhiều khả năng đây chỉ là một trò đùa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại