Gấu trắng - loài vật biểu tượng của Bắc Cực từ lâu đã nằm trong hạng mục nguy cấp của Sách Đỏ vì nhiều nguyên nhân, từ sự săn đuổi của con người, cho đến việc bị thu hẹp môi trường sống do hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu.
Và theo như một nghiên cứu mới đây, gấu trắng có nguy cơ rơi vào cảnh tuyệt chủng hoàn toàn trong tương lai sắp tới, mà cụ thể là vào cuối thế kỷ này - năm 2100. Chỉ có một cơ hội duy nhất để cứu lấy chúng, đó là phải tìm cách giảm được lượng khí nhà kính đang khiến Trái đất ngày một nóng lên.
Cụ thể, nghiên cứu từ Canada chỉ ra rằng, việc Trái đất nóng lên đã khiến cho lượng băng giá ở Bắc Cực ngày một thu hẹp. Hệ quả, chúng không thể dễ dàng kiếm ăn nữa, và cả giống nòi trở nên kiệt quệ.
"Về cơ bản, gấu trắng cần phải ăn và để kiếm được thức ăn, chúng cần băng giá," - trích lời Péter Molnár, phó giáo sư ĐH Toronto Scarborough (Canada), đồng tác giả nghiên cứu. "Mà để chúng có đủ băng, chúng ta phải kiểm soát được quá trình biến đổi khí hậu."
Gấu trắng Bắc Cực dựa hoàn toàn vào băng trôi trên biển để đi săn. Chúng có thể bơi, nhưng vẫn cần lên bờ lấy dưỡng khí. Những tảng băng vì thế là yếu tố cực kỳ quan trọng, cho phép gấu bơi xa hơn, kiếm được nhiều thức ăn hơn. Vậy nên khi băng biến mất, chúng buộc phải ở lại bờ - nơi có nguồn thực phẩm rất hạn chế.
Những năm gần đây, thời gian gấu trắng phải nhịn ăn đang kéo dài hơn trước rất nhiều. Điều này dẫn đến việc cơ thể chúng chịu ảnh hưởng trầm trọng, khả năng sinh sản mất đi, cũng như khả năng sinh tồn của gấu con cũng là rất thấp. Việc băng ngày càng ít đã đe dọa sự tồn tại của gấu trắng tại vùng Bắc Cực xa xôi.
Một con gấu trắng Bắc Cực đói ăn được chụp từ năm 2017. Nguyên nhân khiến nó rơi vào tình trạng này chưa được xác định có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không.
"Chúng ta vốn cũng nhận thức được rằng gấu trắng có thể biến mất nếu như không thể kiểm soát được lượng khí nhà kính. Tuy nhiên việc xác định được thời điểm tuyệt chủng là rất quan trọng, để đưa ra các phản ứng kịp thời," - Steven Amstrup, đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Wyoming chia sẻ. Ông cũng là trưởng nhóm khoa học của tổ chức bảo tồn gấu trắng Polar Bears International.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã lập mô hình tính toán khả năng sinh tồn của gấu trắng trong bối cảnh lượng khí nhà kính tăng cao - điều đang có xu hướng xảy ra trên thực tế. Họ nhận thấy, chỉ còn một số ít gấu trắng có thể sống sót, nhưng đại đa số loài vật này sẽ sụp đổ vào năm 2100.
"Việc thể hiện mối đe dọa với các quần thể gấu khác nhau giống như một lời nhắc nhở, rằng chúng ta cần sớm hành động để tránh đi tương lai tồi tệ nhất phía trước," - Amstrup cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Nguồn: USA Todays, CNN, Euronews