Tin bão mới nhất: Bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; Cảnh báo mưa to ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An

Trang Anh |

16:20 ngày 02/08/2020

Cảnh báo mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An chiều tối nay

Trong chiều và tối nay (02/8), các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Nam Bộ còn có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 40-70mm/12h).

Từ nay đến ngày 08/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h.

Khu vực Hà Nội: Từ nay đến ngày 08/8 có mưa, riêng chiều và đêm nay có mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h.

16:18 ngày 02/08/2020

Bão số 2 Sinlaku đi vào Ninh Bình-Thanh Hóa đã suy yếu dần

Đầu giờ chiều nay (02/8), bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của bão, ở Hòn Dáu đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; ở trạm Văn Lý có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Trên đất liền ven biển các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 19,6 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh Ninh Bình-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Tin bão mới nhất: Bão số 2 Sinlaku giật cấp 10 sắp đổ bộ đất liền; Hà Nội cảnh báo mưa giông ở khu vực nội thành - Ảnh 1.

Bão số 2 suy yếu dần

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền, trên biển:

Vùng ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa trong chiều nay còn có gió giật cấp 6-8.

Trong chiều nay (02/8), ở Vịnh Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) trong chiều và đêm nay (02/8) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-3,5 mét.

14:27 ngày 02/08/2020

Thủ tướng gửi công điện yêu cầu tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

Sáng 2/8, tại Hà Nội, trong cuộc họp ứng phó với bão số 2, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Quang Hoài đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngay sau cuộc họp này kiểm tra lại số lượng tàu thuyền đang ở vùng nguy hiểm, có phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra.

"Theo dự báo, bão số 2 gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó sáng 2/8 Thanh Hóa có mưa rất lớn. Do vậy, Tổng cục Thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, ngập úng để có giải pháp tiêu úng kịp thời. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác trực ban, nắm thông tin để có phương án vận hành hồ chứa đúng quy trình, kịp thời (đặc biệt là các hồ chứa nhỏ) đồng thời đảm bảo an toàn cho hạ du" ông Trần Quang Hoài lưu ý.

Tin bão mới nhất: Bão số 2 Sinlaku giật cấp 10 sắp đổ bộ đất liền; Hà Nội cảnh báo mưa giông ở khu vực nội thành - Ảnh 1.

Sóng lớn tại khu vực biển tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về tình hình các hồ Thủy điện Hòa Bình, Sơn La để Ban Chỉ đạo có cơ sở báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo.

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có báo cáo gửi về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ để theo dõi, chỉ đạo tình hình các hồ thủy điện trong đó lưu ý đến các hồ thủy điện nhỏ (tại các hồ này đang thiếu cán bộ cũng như công cụ giám sát hồ).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 2 , tình hình mưa lũ, đặc biệt là khu vực phía Tây các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, để ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động kiểm tra lại các trạm đo khí tượng thủy văn , theo dõi sát tình hình lũ quét, sạt lở đất khu vực các tỉnh từ Hòa Bình đến Quảng Bình, cung cấp thông tin cho các địa phương chịu ảnh hưởng của bão để chủ động ứng phó.

13:57 ngày 02/08/2020

Cảnh báo mưa lớn ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình

Hôm nay (ngày 2/8), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 50-150mm/24h, có nơi trên 150mm/24h.

Từ hôm nay đến ngày 05/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Trong ngày và đêm nay (02/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) còn có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

13:54 ngày 02/08/2020

Cảnh báo gió mạnh ở vịnh Bắc Bộ, sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; sóng biển cao 3,0-4,0m; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, đảo Hòn Dáu) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3,0-4,0m; biển động rất mạnh.

Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh có gió giật từ cấp 6-8. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Hải Phòng có khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,0-4,5m.

 Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-4,0 mét.

13:41 ngày 02/08/2020

Cảnh báo mưa giông từ to đến rất to ở khu vực nội thành Hà Nội

TT Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo mưa giông ở khu vực nội thành Hà Nội. 

Ở bản tin phát đi lúc 13h35 của trung tâm dự báo, qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển về phía khu vực thành phố Hà Nội.

Cảnh báo trong những giờ tới, những vùng mây đối lưu này sẽ tiếp tục phát triển thêm, gây ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to cho khu vực thành phố Hà Nội.

Tin bão mới nhất: Bão số 2 Sinlaku giật cấp 10 sắp đổ bộ đất liền; Hà Nội cảnh báo mưa giông ở khu vực nội thành - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: VTV)


13:37 ngày 02/08/2020

Bão số 2 Sinlaku giật cấp 10, đi vào các tỉnh Ninh Bình đến Nghệ An

Theo tin bão mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Tin bão mới nhất: Bão số 2 Sinlaku giật cấp 10 sắp đổ bộ đất liền; Hà Nội cảnh báo mưa giông ở khu vực nội thành - Ảnh 1.

Vị trí và đường đi của bão số 2 Sinlaku. Ảnh: nchmf.gov.vn.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Đến 22 giờ ngày 2/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Trong 12-24 giờ tới, áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Lên trên
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại