Một khu rừng cổ đại khổng lồ đã được phát hiện ở độ sâu gần 200m dưới lòng đất, bên trong một hố sụt khổng lồ tại Trung Quốc. Được biết, bí ẩn dưới lòng đất nói trên đã được một nhóm các nhà khoa học khám phá hang động ở Trung Quốc phát hiện vào tháng 5 năm ngoái.
Hiện tượng này còn được gọi là "tiankeng" hay "hố trời" ở Trung Quốc. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Leye Fengshan, nơi tìm thấy hố sụt, nằm ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Tây Nam Trung Quốc. Công viên địa chất được mô tả trên trang web của UNESCO là 'chủ yếu là trầm tích, với hơn 60% đá cacbonat từ kỷ Devon đến kỷ Permi, dày 3000m.' Nó được biết đến là 'lãnh thổ của hang động và cây cầu tự nhiên dài nhất thế giới'. Với hố sụt mới nhất vừa được phát hiện, nó có chiều dài 306m, chiều rộng 150m và chiều sâu 192m, với thể tích vượt quá 5 triệu mét khối, có nghĩa là nó có thể được chính thức phân loại là hố sụt lớn.
Miệng hố khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Xinhua
Thảm thực vật trong miệng hố rất phát triển, do ánh sáng mặt trời từ bên ngoài vẫn có thể chiếu rọi được vào trong. Ảnh: Xinhua
Theo Daily Mail, cuộc thám hiểm hang động được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học, vốn đã leo xuống độ sâu hơn 100 mét và 'đi bộ vài giờ để đến đáy hố'.
Cảnh quan trong Công viên địa chất Leye Fengshan là địa hình Karst, nghĩa là khu vực được tạo thành từ đá vôi. Các hố sụt thường được tạo ra do sự hòa tan của nền đá bởi nước ngầm và chúng rất phổ biến trong khu vực.Tuy nhiên, khu rừng độc đáo được tìm thấy ở phía dưới hố thật khác thường - nó trông giống như một thứ gì đó bước ra từ một bộ phim giả tưởng. Khu rừng có thể phát triển nhờ hình dạng của cái hố, cho phép đủ ánh sáng lọt vào trong dù nằm ở độ sâu gần 200m.
Chen Lixin, trưởng nhóm thám hiểm hang động Quảng Tây 702, cho biết, các cây cổ thụ ở khu rừng nguyên sinh dưới mọc cao gần 40 mét. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định khu rừng cổ đại này có thể là nơi sinh sống của các loài thực vật và động vật chưa được xác định trước đây, tờ The Washington Post đưa tin.