Bản đồ địa chất Tây Úc (Australia), hiển thị vị trí của Đồng bằng ven biển Scott, nơi tìm thấy lớp vỏ cổ đại của Trái đất có niên đại 4 tỷ năm tuổi.
Mảnh vỏ này thuộc loại lâu đời nhất trên Trái đất, mặc dù không phải là mảnh cũ nhất. Vinh dự đó thuộc về những tảng đá của Canadian Shield trên bờ biển phía đông của Vịnh Hudson, Mỹ có niên đại 4,3 tỷ năm tuổi (Trái đất đã 4,54 tỷ năm tuổi). Do vỏ Trái đất liên tục bị xáo trộn và đẩy trở lại lớp phủ bởi các kiến tạo mảng, nên hầu hết bề mặt đá của hành tinh được hình thành trong vòng vài tỷ năm qua.
Tuy nhiên, lớp vỏ lâu đời nhất từng được phát hiện, giống như lớp vỏ mới được tìm thấy ở Úc, có niên đại khoảng 4 tỷ năm. Đồng tác giả nghiên cứu Maximilian Droellner, một nghiên cứu sinh tại Đại học Curtin ở Úc, cho biết có điều gì đó đặc biệt đã xảy ra trong kỷ nguyên lịch sử Trái đất đó .
Droellner cho biết: “Khi so sánh những phát hiện của chúng tôi với dữ liệu hiện có, có vẻ như nhiều khu vực trên thế giới đã trải qua thời gian hình thành và bảo quản lớp vỏ sơ khai tương tự nhau. Điều này cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong quá trình tiến hóa của Trái đất khoảng bốn tỷ năm trước, khi các vụ bắn phá thiên thạch giảm dần, lớp vỏ ổn định và sự sống trên Trái đất bắt đầu hình thành."
Mảnh lớp vỏ cổ đại ẩn giấu gần nơi các khoáng chất lâu đời nhất trên Trái đất được tìm thấy trước đây. Tại Jack Hills của Úc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các khoáng chất nhỏ gọi là zircons có niên đại 4,4 tỷ năm . Những khoáng chất này vẫn tồn tại ngay cả khi những tảng đá từng giữ chúng bị xói mòn. Những tảng đá xung quanh Jack Hills, được gọi là Narryer Terrane, một số có niên đại 3,7 tỷ năm.
Các gợi ý địa hóa trong các lớp trầm tích gần khu vực này cho thấy rằng, có thể có lớp vỏ cũ hơn nữa bị chôn vùi dưới các lớp đá và trầm tích mới hơn ở bề mặt. Vì vậy, Droellner và các đồng nghiệp đã quyết định kiểm tra các zircons trong trầm tích từ Đồng bằng ven biển Scott, phía nam Perth. Các lớp trầm tích trên đồng bằng này bị xói mòn ra khỏi các tảng đá sâu hơn trên lục địa Úc.
Sau khi dùng tia laze để phân tích tuổi của nó, những tảng đá chứa các khoáng chất này được xác định hình thành từ 3,8 tỷ đến 4 tỷ năm trước.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của những khoáng chất này, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang dữ liệu được thu thập bởi các vệ tinh quay quanh Trái đất. Vì lớp vỏ Trái đất có độ dày khác nhau, lực hấp dẫn thay đổi một chút trên bề mặt hành tinh. Bằng cách đo lường các biến thể trọng lực này, các nhà khoa học có thể tìm ra độ dày của lớp vỏ ở các vị trí khác nhau và cho rằng đây có khả năng là nơi chôn vùi lớp vỏ cổ đại.
Các nhà nghiên cứu đã viết trong bài báo của họ, được công bố trực tuyến ngày 17 tháng 6 trên tạp chí Terra Nova rằng, nó bị chôn vùi hàng chục km dưới bề mặt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ranh giới của lớp vỏ cổ đại gắn liền với các mỏ vàng và quặng sắt, cho thấy tầm quan trọng của lớp vỏ rất cũ này trong việc kiểm soát sự hình thành đá và khoáng sản trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu viết: Hiểu được sự hình thành của lớp vỏ Trái đất 4 tỷ năm trước có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách các lục địa hình thành lần đầu tiên. Thời kỳ này đã tạo tiền đề cho hành tinh như ngày nay, nhưng rất ít gợi ý về Trái đất sớm nhất đã sống sót sau những biến động liên tục của bề mặt hành tinh. Mảnh vỏ này đã tồn tại qua nhiều sự kiện hình thành núi giữa Úc, Ấn Độ và Nam Cực.